Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

'Tia sáng' bắt đầu đến với ngành thép

Tình hình tiêu thụ thép bắt đầu khởi sắc trong tháng 9 và cả quý III. Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành thép sẽ ấm dần trong quý IV và năm 2024.

 Lần đầu bán hàng tăng trưởng trong năm 2023

Tình hình tiêu thụ thép trong tháng 9 đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng về bán hàng thép thành phẩm so với cùng ngoái khi tăng gần 5% lên gần 2,2 triệu tấn. Trong đó, thép xây dựng - mặt hàng chiếm gần một nửa tỷ trọng, tăng 4,2%. Tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất gần 34%.

Trong bối cảnh tiêu thụ nội địa khó khăn, các doanh nghiệp tìm đến thị trường nước ngoài để bù đắp doanh số. Xuất khẩu thép thành phẩm tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên gần 658.000 tấn. 

 Nguồn: VSA

Tính chung trong quý III, ngành thép tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn thành phẩm, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đóng góp hơn 2 triệu tấn, tăng 70%. 

Tình hình kinh tế Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng về một số chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 9 ước đạt 49% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong những tháng còn lại của năm, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu địa phương phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 352.000 tấn nhờ các dự án đầu tư công. 

Trong một thông báo mới đây, Hoà Phát cho biết: “Nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Tuy vậy, thép xây dựng Hòa Phát vẫn nhỉnh hơn tháng 8 vừa qua, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao xuất khẩu ghi nhận 90.000 tấn”.

Hiện tập đoàn này vẫn duy trì thị phần thép xây dựng lớn nhất cả nước với 33%.

 Nguồn: Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp)

Tương tự với với Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, Mã: TVN), công ty ghi nhận lượng bán hàng thép các loại trong tháng 9 cao nhất tính từ đầu năm với 268.000 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 204.300 tấn, tăng 23% so với tháng 8 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. 

“Tiêu thụ thép thành phẩm tháng 9 tại thị trường nội địa của hầu hết doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép có sự cải thiện so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ”, công ty cho biết. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng nói thêm tiêu thụ thép thành phẩm của 9 tháng vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu  thấp. 

“Ngay cả trong các thời điểm là mùa xây dựng, lượng tiêu thụ của các nhà máy đều không tăng như thông lệ. Hầu hết nhà máy đều phải thực hiện các giải pháp tiết giảm tối đa chi phí, vận hành sản xuất luân phiên để duy trì hoạt động”, VNSteel cho biết.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm các loại của công ty đạt trên 2 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VSA, việc cạnh tranh về thị phần giữa các nhà máy càng trở nên khốc liệt. Các nhà máy liên tục giảm giá giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất, bán hàng. Trong 9 tháng, giá thép xây dựng trải qua 12 - 14 lần giảm xuống khoảng 13,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 14% so với đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đi ngang trong tháng 10. 

 Nguồn: Steel Online (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, tin tích cực đối với các nhà máy là giá nguyên liệu đầu vào cũng giảm mạnh theo.

Giá quặng sắt (62%) trung bình trong 9 tháng giảm 8,4% so với cùng kỳ xuống 117 USD/tấn. Giá than thậm chí giảm sâu hơn, gần 34% xuống 349 USD/tấn. 

Thị trường sẽ ấm dần trong quý IV và năm 2024?

Với tình hình hiện tại, nhiều doanh nghiệp và giới phân tích kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ tốt lên. 

Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nhu cầu thép có thể cải thiện trong quý IV hoặc năm 2024 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023” do VietnamBiz tổ chức, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép cuối năm 2023 và 2024 sẽ tăng trưởng mạnh.

Ngành thép mang tính chu kỳ và có nền thấp vào cuối năm ngoái. Trong năm 2022, phần lớn doanh nghiệp thép thua lỗ do doanh số bán hàng và giá sụt giảm. 

Do đó, ông Châu kỳ vọng nửa cuối năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép nửa cuối năm nay mặc dù chưa quay trở lại mức trung bình lịch sử nhưng cũng sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi, lượng bán hàng đã cải thiện, đặc biệt là kênh xuất khẩu . Các công ty cũng không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái. 

Bước sang năm 2024, ông cho rằng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất bên cạnh bán lẻ, phân bón, thuỷ sản. 

“Giá thép  đang ở mức thấp trong nhiều năm do vậy thời gian tới nhiều khả năng giá thép  sẽ phục hồi mặc dù việc mức độ và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tính trung bình, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2024 khoảng 70 - 80% so với năm 2023”, ông Châu nhận định. 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho rằng giai đoạn quý IV, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. 

Để có sự thay đổi đột biến, ngành phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên. 

“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng khi nào lãi suất thế giới giảm thì nền kinh tế mới phục hồi. Một số chuyên gia cho rằng phải đến tháng 5, 6/2024 Fed mới giảm lãi suất”, ông Thắng nói.

Phó Tổng Giám đốc VNSteel, ông Phạm Công Thảo cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nợ để tiếp tục tồn tại trong tời gian tới. Trong giai đoạn sụt giảm nhu cầu vừa qua, nguồn cung ra thị trường còn rất lớn. Do đó, ngành thép vẫn đang kỳ vọng vào các dự án đầu tư công. 

“Kể cả khi thị trường có phục hồi thì cũng ở mức nhẹ và biến động giá không lớn”, ông Thảo nói. 

Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng những khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản đã qua, tuy nhiên những thách thức vẫn còn đó. VNDirect dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên vào nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. 

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) - một doanh nghiệp tập trung mảng thương mại thép, kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ không lỗ. Trong 6 tháng đầu năm, công ty này đã lỗ sau thuế gần 408 tỷ đồng. 

Mới đây, công ty đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả chi phí phát sinh nhằm để duy trì hoạt động công ty.

Hồi tháng 7, công ty cũng đã thực hiện giải thể công ty con là Công ty TNHH SMC Châu Đức vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đây là công ty được thành lập ngày 23/6/2022 do Thép SMC nắm 100% vốn điều lệ. 

Hoạt động xuất khẩu cũng được kỳ vọng cải thiện khi nhu cầu thép của thế giới được dự báo sẽ tăng lên trong năm 2023 và 2024. 

Trong báo cáo mới nhất Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 1,8% vào năm 2023 và đạt hơn 1,8 tỷ tấn sau khi giảm 3,3% vào năm 2022. Năm 2024 , nhu cầu thép sẽ tăng thêm 1,9% lên 1,85 tỷ tấn.

Trong đó, Worldsteel nhấn mạnh đến động lực chính tăng trưởng nhu cầu thép đến từ các thị trường mới nổi ở châu Á. Sau khi giảm 0,6% vào năm 2022, nhu cầu thép ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại khu vực này sẽ tăng trưởng 4,1% vào năm 2023 và 4,8% vào năm 2024. Hiện châu Á là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 50%. 

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM