Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

10 dự báo về kinh tế Trung Quốc năm nay

Năm 2010 đã chứng kiến nhiều nỗ lực quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc nhằm ghìm cương đà tăng trưởng nóng của nền kinh tế nước này.

Sang năm 2011, kinh tế Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào? Tờ China Daily đã đưa ra 10 dự báo về nền kinh tế này trong năm nay:

1. Chính sách vĩ mô

Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên của Trung Quốc diễn ra vào tháng 12 vừa qua đã ra tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục cải thiện việc điều hành chính sách vĩ mô để đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và lành mạnh. Về cơ bản, chính sách vĩ mô năm 2011 của Trung Quốc có thể được gói gọn trong các từ: đón đầu, ổn định, khôn ngoan và linh hoạt.

Trong đó, trọng tâm sẽ là giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế ổn định và tương đối nhanh, tái cơ cấu kinh tế và kiểm soát các kỳ vọng lạm phát theo hướng tích cực và ổn định. Các đại biểu tham dự Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên của Trung Quốc - một trong những sự kiện về hoạch định chính sách quan trọng nhất của nước này - đã nhất trí gia tăng những nỗ lực nhằm duy trì ổn định giá cả. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí sẽ thúc đẩy cải cách chiến lược mô hình phát triển kinh tế để tạo thế cân bằng tốt hơn.

2. Tăng trưởng GDP

Trong một báo cáo kinh tế thường niên về kinh tế Trung Quốc phát hành đầu tháng 12 vừa qua, Học viện Khoa học xã hội nước này cho rằng, GDP của Trung Quốc có thể đã tăng trưởng 9,9% trong năm 2010 và sẽ còn duy trì mức tăng trưởng cao, có thể lên tới 10% trong năm 2011.

Một báo cáo của Liên hiệp quốc (UN) nhận định, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 8,9% mỗi năm trong năm 2011 và 2012, trong bối cảnh viễn cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 11 dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc về mức tăng trưởng 8,7% trong năm nay và sẽ còn chậm lại trong trung hạn.

3. Lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm 2010, một phần do sức kéo của giá lương thực và thực phẩm dưới ảnh hưởng của thời tiết xấu và thiên tai. Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa thanh khoản trong nền kinh tế cũng được cho là một nguyên nhân chính phía sau tình trạng tăng giá. Theo một báo cáo của WB ra hồi tháng 11/2010, lạm phát của Trung Quốc sẽ còn giữ ở mức trên 3% trong một thời gian trong năm 2011 do giá thực phẩm còn cao.

Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo chỉ số CPI của nước sẽ tăng 3,3% trong năm 2011, trong khi ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo, mức tăng sẽ là 4,3%.

4. Bất động sản

Những nỗ lực bình ổn giá nhà đất đã được Chính phủ Trung Quốc áp dụng mạnh trong năm 2010. Trong năm nay, Bắc Kinh được dự báo sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp thắt chặt đối với ngành bất động sản như hạn chế nguồn cầu và nguồn tín dụng cho các công ty phát triển địa ốc, đồng thời đưa ra một chương trình thử nghiệm về thuế nhà đất tại một vài thành phố lớn, cũng như thúc đẩy các dự án nhà giá rẻ.

5. Tỷ giá hối đoái

Tháng 6/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã quyết định gia tăng tính linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ. Từ đó đến nay, đồng tiền này đã tăng giá khoảng 3% so với đồng USD.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng giá với tốc độ vừa phải so với USD trong năm 2011.

6. Thị trường chứng khoán

Các chuyên gia nghiên cứu chứng khoán hàng đầu cho biết, họ lạc quan về thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc trong năm 2011. Theo các chuyên gia này, nguồn thanh khoản dồi dào trên thị trường sẽ là động lực chính cho chứng khoán Trung Quốc năm nay, đưa chỉ số Shanghai Composite lên khoảng 3.500-4.0000 điểm, thậm chí là 4.500 điểm, trong đó cổ phiếu ngân hàng sẽ khởi sắc. Những nhóm cổ phiếu được các chuyên gia khuyến nghị đầu tư trong năm nay là những ngành và lĩnh vực được đề cập tới trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực thiết bị sản xuất công nghiệp và năng lượng mới.

7. Thương mại

Sau khi suy giảm 16% trong năm 2009, xuất khẩu của Trung Quốc sang tất cả các thị trường chính đã phục hồi mạnh trong năm 2010, tăng với tốc độ khoảng 30%. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2010 đã đạt đỉnh vào giữa năm, sau đó giảm xuống do sự chững lại của nhu cầu bên ngoài.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2011. Bất chấp hoạt động tăng lương cho công nhân thời gian gần đây, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn khả năng cạnh tranh tốt do giá hàng xuất khẩu vẫn chưa tăng quá nhiều.

Nhập khẩu của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chỉ tăng với tốc độ khoảng 10% trong năm 2011. Trong đó, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa cơ bản sẽ hạn chế do tăng trưởng xây dựng cơ sở hạ tầng giảm đi và ảnh hưởng của các biện pháp thắt chặt đối với thị trường bất động sản.

8. Đầu tư

Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc đã trải qua những thăng trầm mạnh mẽ trong vòng 2 năm qua, phản ánh tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chính sách kích thích kinh tế của nước này. Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc giảm tốc từ mức 26% vào năm 2009 về khoảng 9% trong năm 2010 và được dự báo sẽ ổn định trong năm 2011.

Hoạt động đầu tư tài sản cố định nghiêng về các dự án cơ sở hạ tầng liên quan tới chương trình kích cầu đã dịch chuyển sang lĩnh vực bất động sản và sẽ còn dịch chuyển sang lĩnh vực sản xuất trong năm 2011. Phát triển các vùng và lĩnh vực công nghiệp sẽ là những động lực chính của hoạt động đầu tư trong năm tới.

9. Tiêu dùng

Trên thực tế, tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng với tốc độ bình quân 9% mỗi năm trong thập kỷ qua. Dự báo, tiêu dùng tại nền kinh tế đông dân nhất thế giới sẽ tăng trưởng 9,8% trong năm nay nhờ thu nhập của người dân đô thị tăng, giá nông sản tăng tại các khu vực nông thôn, chính sách phúc lợi được tăng cường.

10. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015)

Kế hoạch này nhấn mạnh các điều chỉnh cơ cấu trong nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. “Đi lên trong chuỗi giá trị” là thông điệp chính mà kế hoạch nêu ra cho lĩnh vực công nghiệp. Nội dung của khẩu hiệu bao gồm cải thiện khoa học-kỹ thuật, thu hẹp các ngành sản xuất truyền thống và phát triển những ngành chiến lược mới.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM