Năm 2016 khép lại đánh dấu Việt Nam có những bước ngoặt chính trị quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới tốt đẹp hơn cùng một Chính phủ kiến tạo và môi trường đầu tư thân thiện cởi mở.
Ban Biên tập NDH xin giới thiệu với quý vị độc giả 10 sự kiện nổi bật của năm do NDH bình chọn.
1. Bầu nhân sự cấp cao và diện mạo Chính phủ mới
Ngày 21/1 khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, là một sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lớn của cả nước. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 gồm 200 Ủy viên và tại hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa 12 đã bầu ra Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa 12.
Tháng 4/2016, Quốc hội khóa 14 đã phê chuẩn và bổ nhiệm các thành viên mới của Chính phủ gồm 27 thành viên trong đó có 23 thành viên mới. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thành viên trẻ nhất là Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng (46 tuổi). Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là thành viên nữ duy nhất và không phải là Ủy viên T.Ư.
Diện mạo Chính phủ mới
Chính phủ mới với tư duy kiến tạo và hành động, xây dựng Chính phủ liêm chính, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, coi tư nhân là động lực cho sự phát triển đã tạo ra làn gió mới, thêm hy vọng và kỳ vọng. Một nhiệm kỳ mới với Chính phủ cởi mở, môi trường đầu tư được cải thiện, thông thoáng hơn.
2. Thảm họa môi trường Formosa
Tháng 4/2016 hàng loạt cá chết dọc bờ biển miền Trung đã đánh dấu một thảm họa ô nhiễm môi trường chưa từng có tại Việt Nam. Lần đầu tiên cả hệ thống chính trị vào cuộc để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt trên 200km bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế.
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển miền Trung. Vi phạm của Formosa đã gây làn sóng bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận lỗi
Việc vi phạm và gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân, lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi và đưa ra con số bồi thường 500 triệu USD.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và buộc Formosa phải chịu toàn bộ trách nhiệm.Chính phủ chỉ đạo quyết liệt “không đánh đổi môi trường lấy dự án”.
3. Lùm xùm ở Bộ Công Thương
Năm 2016 Bộ Công Thương trở thành Bộ tai tiếng nhất với hàng loạt những lùm xùm. Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư T.Ư Đảng ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 do liên quan đến các sai phạm như có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco.
Ngày 21/12, ông Vũ Quang Hải đã có đơn xin từ nhiệm, rút khỏi HĐQT Sabeco.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và những lùm xùm
Ông Vũ Huy Hoàng cũng thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC được cơ quan chức năng xác định đã để xảy ra nhiều sai phạm làm thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng giai đoạn 2011-2013, hiện ông đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị khởi tố. Đây là vụ việc nghiêm trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2016.
Các dự án nghìn tỷ tại Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đang nguy cơ thua lỗ mất vốn.
Nhiều cán bộ của Bộ Công Thương bỗng dưng ra nước ngoài như Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex); ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cũng viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh rồi ở lại.
4. Nới trần nợ Chính phủ lên 54%
Tại Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã cho phép nới trần nợ Chính phủ. Theo Nghị quyết, nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Năm 2016, nợ Chính phủ đã vượt mức trần 50% GDP, có thể ở mức 54-55% GDP.
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội cho phép tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 được chốt không quá 3,9% GDP, phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.
Trong 11 tháng năm 2016, mức bội chi ngân sách 11 tháng đã lên tới 176.900 tỷ đồng, tương ứng gần 7,6 tỷ USD.
5. Xuất siêu gần 3 tỷ USD
Tính đến hết 11 tháng/2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 316,9 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 159,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 156,96 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 2,98 tỷ USD.
Việt Nam liên tục xuất siêu trong những tháng cuối năm 2016
6. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu
Khởi động giai đoạn 2016-2020 kinh tế Việt Nam đã không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt 6,3-6,5%. Nguyên nhân do ngành nông nghiệp có thời gian tăng trưởng âm bởi tình hình thiên tai bão lũ mất mùa, sự cố thảm họa môi trường ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản, ngành công nghiệp khai khoáng sụt giảm mạnh do biến động của giá dầu thô…
Tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,3-6,5%.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có những tín hiệu vui khi lần đầu tiên số doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục hơn 100 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động quay trở lại cao, môi trường đầu tư cởi mở thông thoáng hơn, thu hút vốn FDI trong 11 tháng năm 2016 đạt hơn 18 tỷ USD.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng được giữ ở dưới 5%. CPI 11 tháng tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước. Bình quân CPI 11 tháng tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2015.
Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
7. Lần đầu tiên khoán xe công ở Bộ Tài chính
Sau hơn 2 tháng triển khai việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng ôtô đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) có những kết quả thành công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán sang các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bộ Tài chính thực hiện khoán xe công có những kết quả thành công
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định theo công thức: Mức khoán đưa đón bằng đơn giá khoán nhân số km khoán nhân 2 lượt nhân số ngày làm việc của tháng.
Mức khoán cao nhất một Thứ trưởng nhận được cho khoảng cách 15 km là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất đối với là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng.
Cách khoán xe công lần đầu tiên này được dư luận xã hội đánh giá cao và bước đầu có hiệu quả trong thực hiện tiết kiệm sử dụng ngân sách Nhà nước.
8. Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam
Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trong hai nhiệm kỳ. Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ, hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt - Mỹ, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và cộng đồng doanh nhân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama trong họp báo chung
Trong chuyến thăm, ông Obama cũng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.
Trong 3 ngày đến Việt Nam với khoảng 40 tiếng ở Hà Nội và 24 tiếng ở TP.HCM, ông Obama đã để lại những ấn tượng tốt, đặc biệt với giới trẻ Việt Nam.
9. Kinh tế Việt chịu sự tác động của thế giới
Kinh tế Việt Nam chịu nhiều sự tác động của biến động kinh tế toàn cầu. Sự việc giá dầu thô liên tục ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2016 đã tác động mạnh đến công nghiệp khai khoáng và kéo theo giảm thu ngân sách từ dầu thô khi giá dầu thế giới chỉ còn 27 USD/thùng hồi tháng 2/2016. Giá dầu dần hồi phục vào nửa cuối năm 2016, tháng 8/2016 giá dầu lên mốc hơn 40 USD/thùng và hiện tại ở ngưỡng hơn 55 USD/thùng.
Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm. Biến động giá dầu thô đã khiến nửa đầu năm 2016, sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam lần đầu có sự thu hẹp quy mô khác thác, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu (hơn 40% thu nhập từ xuất khẩu) dầu thô.
Sự kiện Brexit cùng câu chuyện Anh rút khỏi EU cũng có tác động đến kinh tế Việt Nam. Đồng bảng Anh mất giá, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh kém sức cạnh tranh.
Việc ông Donald Trump tuyên bỏ sẽ bỏ TPP ngay trong ngày đầu nhậm chức Tổng thống
sẽ gây lo lắng cho các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam
Tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 vào ngày 8/11 gây ngạc nhiên không chỉ với người dân Mỹ mà với cả thế giới. Ông Trump đã có tuyên bố nước Mỹ sẽ bỏ TPP ngay trong ngày đầu làm Tổng thống. Tuyên bố này đã tác động đến 12 nước thành viên TPP trong đó có Việt Nam bởi Việt Nam được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu được thông qua và cũng là nước đang rất mong chờ TPP thông qua.
Tuy nhiên quan điểm của Chính phủ Việt Nam có TPP hay không thì Việt Nam vẫn hội nhập với kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
10. Việt Nam đón 10 triệu du khách quốc tế
Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, tăng 25% so với năm 2015, đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm.
Ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nguồn tin: NDH