Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2018 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước, nhưng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,63 tỷ USD, tăng 1,5%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,17 tỷ USD, giảm 2,6%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2017, như mặt hàng than đá tăng 45,3%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26,5%; Hóa chất tăng 21,7%... Trong tháng 10 cũng có một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm, như: Điện thoại và linh kiện giảm mạnh nhất với mức 21,4%; Sắt thép giảm 17%; Xăng dầu giảm 12,8%.
Báo cáo thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đã đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,45 tỷ USD (chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,2%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 40,7 tỷ USD, tăng 10,6%; Hàng dệt may đạt 25,2 tỷ USD, tăng 17,1%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 24,3 tỷ USD, tăng 15,2%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13,5 tỷ USD, tăng 28,3%; Giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 9,7%...
Riêng mặt hàng dầu thô tính chung 10 tháng giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, giảm 24,8% (lượng giảm 45,4%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp đến là EU đạt 34,9 tỷ USD, tăng 9,9%; Đứng thứ 3 là Trung Quốc đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,3%; Thị trường ASEAN đứng thứ 4 với 20,6 tỷ USD, tăng 14,5%; Thứ 5 là thị trường Nhật Bản đạt 15,3 tỷ USD, tăng 10,6%; Hàn Quốc đứng thứ 6 với 15 tỷ USD, tăng 23,5%.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10 ước tính đạt 20,70 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, 10 tháng của năm 2018, Việt Nam xuất siêu 6,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 200 tỷ USD. Con số này sẽ tạo dư địa lớn cho mục tiêu xuất khẩu của năm 2018 sẽ sớm vượt qua con số kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017 khi còn đến 2 tháng nữa kết thúc năm 2018.
Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%; Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự phục hồi về nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư trong nước đang được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, càng củng cố thêm dự báo xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới. Hiện nay, Mỹ đã công bố giảm thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra, đây là tín hiệu vui với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn tin: Tài chính