Đó là điều ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dự báo cho năm 2012, nếu những doanh nghiệp thép yếu kém không sớm tái cơ cấu.
Ngành thép đang đối mặt với lượng hàng tồn kho ở mức cao, hiện khoảng 500.000 tấn, gấp đôi lúc bình thường. Tình trạng này đang diễn ra ở những doanh nghiệp thép mới ra đời, đang chịu chi phí lãi vay lớn, trong khi hàng làm ra không tiêu thụ được. Chưa có đơn vị thép nào tuyên bố phá sản, nhưng theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, 20% doanh nghiệp thép đang rất khó khăn, cần phải tái cơ cấu nếu không muốn bị phá sản vào năm 2012. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Báo chí gần đây có đề cập đến nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp thép. Nguy cơ này là có thật không, thưa ông?
Đúng là báo chí có nhắc đến một vài doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản, trong đó có 2 đơn vị thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam là Thép Vạn Lợi và Thép Đình Vũ. Song trên thực tế, Hiệp hội không nắm được tình hình tài chính cũng như vay nợ của doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ biết rằng các công ty đặc biệt khó khăn trong năm nay và năm tới là những đơn vị có công nghệ lạc hậu, đầu tư manh mún, tiêu hao năng lượng lớn, giá thành sản xuất cao, không có cơ sở để phát triển bền vững. Đó cũng là những công ty bị thua lỗ nhiều. Và nếu mức lãi suất cao tiếp tục được duy trì trong năm tới, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể tồn tại.
Hiện nay, thép ngoại nhập vào Việt Nam không phải là ít. Áp lực cạnh tranh từ thép ngoại mỗi năm một gia tăng. Đặc biệt là vào năm 2017, khi hàng rào thuế quan được tháo dỡ, sức ép sẽ lớn hơn nhiều. Do đó, nếu không tái cấu trúc, các doanh nghiệp thép nói trên sẽ bị phá sản.
Tính đến nay, chưa có doanh nghiệp nào thông báo đến Hiệp hội rằng mình gặp khó khăn tới mức phải đóng cửa. Cần nói thêm là theo quy định của Luật Phá sản, chủ doanh nghiệp tự tuyên bố phá sản, hoặc ngân hàng hay chủ nợ đề xuất lên tòa án buộc doanh nghiệp phải phá sản để thu nợ. Quy định thì có, nhưng chưa chủ nợ nào lên tiếng về việc này.
Tỉ lệ doanh nghiệp thép đang thực sự khó khăn chiếm khoảng bao nhiêu?
Theo tôi, không dưới 20% doanh nghiệp đang rất khó khăn và cần phải tái cơ cấu. Hầu hết đều là các doanh nghiệp mới ra đời và không có cơ sở để phát triển bền vững do thiếu nguyên nhiên vật liệu, vay vốn quá nhiều.
Với đặc trưng của ngành thép, theo ông, nên tái cơ cấu theo hướng nào?
Hình thức tái cơ cấu hiệu quả nhất là bán lại nợ cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng đầu tư trang thiết bị mới, quản trị tốt để khôi phục sản xuất. Ví dụ, Thép Đình Vũ đã bán 70% nợ cho nhà đầu tư của Úc.
Liệu có dễ bán nợ khi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang gặp vấn đề về tài chính?
Nếu bán rẻ thì họ vẫn mua. Giai đoạn khó khăn chính là cơ hội để mua doanh nghiệp với giá rẻ. Và thông thường, tái cơ cấu theo hướng mua bán - sáp nhập trong bối cảnh khủng hoảng sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Trong thời kỳ kinh tế ổn định, doanh nghiệp hoạt động tốt, không ai muốn bán hoặc nếu có thì cũng bán với giá rất cao.
Cổ phần hóa chưa được ông đề cập như biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp thép?
Cổ phần hóa là xu hướng tất yếu, nhưng chỉ trong dài hạn. Phát hành cổ phiếu vào thời điểm này không dễ nên không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành thành công. Tổng Công ty Thép Việt Nam là Tổng Công ty 91 đầu tiên cổ phần hóa thành công và đầu tháng 10 này đã ra mắt Tổng Công ty Cổ phần Thép Việt Nam, nhưng đây là kết quả của cả một quá trình trước đó. Còn hiện nay, mua bán - sáp nhập vẫn là hướng đi tốt hơn, vì chỉ có sự hỗ trợ của những nhà đầu tư có năng lực quản trị tốt, tài chính mạnh mới vực dậy được các doanh nghiệp thép làm ăn kém hiệu quả.
Việc 20% số doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản có phải là điều được dự báo trước?
Với chính sách thắt chặt tiền tệ, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản cũng thế. Khi các công trình xây dựng bị đóng băng thì đơn vị sản xuất nguyên liệu, trong đó có doanh nghiệp sản xuất thép, cũng bị ảnh hưởng. Khó khăn khách quan trên cộng với những yếu kém nội tại đã đẩy một số doanh nghiệp ngành thép đứng trước nguy cơ phá sản.
Bộ Công Thương đã đi kiểm tra các địa phương từ cách đây hơn 1 năm và đã báo cáo Chính phủ về tình hình đầu tư tràn lan của các địa phương. Đó là hậu quả của việc giao cho địa phương toàn quyền cấp phép dự án đầu tư có vốn dưới 1.500 tỉ đồng. Chính phủ sau đó đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, nhưng các địa phương lại chỉ chú ý đến hạn mức đầu tư để cấp giấy phép. Điều này dẫn đến việc có quá nhiều dự án ngoài quy hoạch. Và hậu quả là sản xuất dư thừa.
Nguồn tin: NĐCT