“Doanh nghiệp, ngân hàng và chứng khoán cùng tháo gỡ khó khăn thời kỳ lạm phát” là chủ đề của Diễn đàn do 3 Hiệp hội: Ngân hàng, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Kinh doanh chứng khoán tổ chức ngày 3/10 tại Hà Nội.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 349.309 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD). Hơn 95% số doanh nghiệp này là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).
Khu vực kinh tế này tạo ra hơn 50% số lao động làm việc trong doanh nghiệp nói chung, mỗi năm tăng thêm nửa triệu lao động. Đầu tư cho một chỗ làm việc ở các DNVVN chỉ bằng 3-10% so với các doanh nghiệp lớn.
Theo Hiệp hội DNVVN, trong tình hình lạm phát tăng cao, khoảng 70% doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và khoảng 20% DN hoạt động vô cùng khó khăn.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho biết: Nếu không tiếp cận được vốn và tình hình xấu đi thì 20% doanh nghiệp vô cùng khó khăn có nguy cơ phá sản. Hiện nay, đã có khoảng 10% DN trong số này ngừng hoạt động hoặc họ có thể chuyển hướng, hoặc tương lai họ sẽ bị phá sản. 10% còn lại bị tác động lạm phát, nếu chính sách tốt lên họ sẽ cải thiện tình hình tốt hơn”.
Lạm phát và khủng hoảng kinh tế đã làm các DNVVN không kiểm soát được chi phí sản xuất, mất thị trường, không có đủ vốn để duy trì sản xuất… và sản xuất kinh doanh bị sút kém, ngưng trệ.
Theo bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, DNVVN vẫn khó tiếp cận được vốn vay do lãi suất cho vay cao hơn khả năng sinh lời của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong điều kiện lạm phát, vốn ngân hàng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp truyền thống của ngân hàng nên những khách hàng mới khó tiếp cận được vốn vì rủi ro cao.
Tại Diễn đàn, Hiệp hội DNVVN kiến nghị Chính phủ dành ra một khoản vốn cho các DNVVN vay; nhanh chóng cải cách chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN trong đó có việc hình thành Quỹ phát triển DNVVN và có một cuộc gặp gỡ, lắng nghe riêng về khu vực DNVVN./.