Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

2011 - Một năm đầy thách thức đối với kinh tế Nga

Năm 2011 vẫn là một năm đầy thách thức đối với kinh tế Nga và câu hỏi đặt ra là Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin phải làm những gì khi nước Nga bước vào bầu cử tổng thống và quốc hội?

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev

Người dân Nga hy vọng rằng kinh tế quốc dân sẽ tạo được đà tăng trưởng bền vững trong năm nay, nhưng những bất ổn kinh tế bên ngoài cũng như sự thiếu vắng động lực tăng trưởng bên trong đang phủ đám mây u ám lên triển vọng kinh tế Nga.

Năm 2009, kinh tế Nga đã bị khủng hoảng tài chính quốc tế giáng một đòn mạnh và rơi vào suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, với GDP bị giảm tới 7,9%. Đến năm 2010, mặc dù GDP của Nga đã đạt được tốc độ tăng trưởng 3,8%, song kinh tế Nga vẫn còn “ốm yếu”, với khoảng 5 triệu người thất nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng nước Nga vẫn đang đứng trước bài toán hóc búa là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định. Để tìm được lời giải, Chính phủ Nga sẽ phải xử lý hiệu quả hai vấn đề khó khăn: đó là kiềm chế lạm phá và giảm bớt thâm hụt ngân sách liên bang.

Trong bài phát biểu thường niên trước Hội đồng Liên bang, Tổng thống Medvedev cam kết sẽ đưa tỷ lệ lạm phát xuống 4-5% trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, Cơ quan thống kê liên bang Rosstat hôm 5/1 cho biết theo các số liệu sơ bộ, tỷ lệ lạm phát ở Nga trong năm 2010 là 8,7%, do đợt hạn hán chưa từng có xảy ra hồi mùa Hè vừa qua đã giảm tới 1/3 sản lượng nông nghiệp của nước này.

Về vấn đề thâm hụt ngân sách, các quan chức Nga cũng liên tục tuyên bố quyết tâm cân bằng ngân sách và triệt tiêu tình trạng thâm hụt vào năm 2015. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2010 vẫn chiếm tới 4,2% GDP và điều này cho thấy đây là một nhiệm vụ không mấy dễ dàng.

Hơn nữa, việc phụ thuộc nặng nề vào lĩnh vực tài nguyên như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng là một điều bất lợi đối với kinh tế Nga trong dài hạn. Chính vì vậy, Chính phủ Nga sẽ phải triển khai chiến lược phát triển kinh tế hướng vào đổi mới, đồng thời tìm kiếm các hướng đi mới cho nền kinh tế. Theo Thủ tướng Putin, Nga sẽ phải tiến hành cải cách và hiện đại hóa các ngành kinh tế trọng điểm, nhất là thực hiện đổi mới trong lĩnh vực bảo tồn năng lượng, công nghiệp vũ trụ, điện hạt nhân, dược phẩm, viễn thông và các ngành khác. Hiện nay, Nga cũng đang tiến hành cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các công nghệ tiên tiến.

Trước những thách thức to lớn như vậy, cả Tổng thống Medvedev lẫn Thủ tướng Putin đều sẽ phải nỗ lực hết mình mới có thể vực dậy nền kinh tế, cũng giải quyết những bất ổn xã hội trong năm 2011. Theo giới phân tích, chiến lược "ngoại giao kinh tế" hiện nay của Nga sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong những năm tới. Giới tryền thông địa phương dự đoán nếu Nga trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc này sẽ giúp Mátxcơva thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác.

Nguồn: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM