Trong giai đoạn 2000 - 2016, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể về mặt số lượng, tuy nhiên chất lượng vẫn còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.
Trong thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập, DN sẽ phát triển theo xu hướng mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lực lượng lao động, đòi hỏi lực lượng này cần có những thay đổi để thích ứng. Kịch bản nào cho tăng trưởng doanh nghiệp? Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trong giai đoạn 2000 - 2016, số lượng DN hoạt động hàng năm liên tục gia tăng. Tính bình quân trong toàn giai đoạn, tốc độ gia tăng DN hoạt động là 16,13%. Trong đó, giai đoạn 2007 - 2010 có tốc độ gia tăng cao nhất là 22,67%/năm; giai đoạn 2011 - 2013 nền kinh tế gặp khó khăn nên tốc độ tăng DN có giảm sút nhưng vẫn đạt 7,2%/năm; từ 2014 - 2016, tốc độ này là 8,58%/năm. Về cơ cấu DN, từ năm 2000 - 2014, tỷ trọng hoạt động của các DN nhà nước giảm mạnh từ 13,62% xuống còn 0,75%, trong khi tỷ trọng của các DN ngoài nhà nước tăng từ 82,77% lên 96,5%. Các số liệu thống kê và báo cáo tổng hợp về tình hình của các DN cho thấy, mỗi loại hình DN đều có những vấn đề, khó khăn riêng của mình. PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nhận định, trong hơn 10 năm tới, sự phát triển của DN sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ bởi 4 nhân tố gồm: quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; mức độ và phạm vi hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường thể chế; xu hướng toàn cầu hóa gia tăng và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế; phạm vi và tốc độ tiến bộ khoa học - công nghệ của Việt Nam. Trước sự tác động của 4 nhân tố nêu trên, có 3 kịch bản tăng trưởng cho DN Việt Nam giai đoạn 2017 - 2030 đã được nêu ra. Kịch bản 1 là, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ dao động xung quanh mức tăng trưởng bình quân từ đầu thập kỷ tới nay; các chính sách phát triển được cải thiện nhất định ở từng mặt, thì số lượng các DN sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân của giai đoạn 2010 - 2016. Kịch bản 2, nếu nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân dao động quanh mức tăng trưởng trong thời gian qua; các cân đối vĩ mô được duy trì hợp lý; cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh được thực hiện tích cực…, thì mỗi năm số lượng DN có thể tăng với tốc độ bằng tốc độ tăng bình quân hàng năm của 2 năm trước đó. Kịch bản 3 là kịch bản dung hòa các điều kiện của 2 kịch bản trên. Khi đó, số lượng DN Việt Nam có thể tăng đều đặn hàng năm với tốc độ tăng bình quân hàng năm trong 3 năm trước đó. Lao động mất việc vì robot Công trình được nghiên cứu bởi Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực vừa được công bố nhận định, trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc. 86% công nhân ngành dệt may, 75% công nhân ngành điện tử của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa. Tất nhiên, sẽ có những ngành nghề thay thế hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu mới xuất hiện. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để số lượng lao động trước đây vẫn làm những nghề bị thay thế có thể chuyển đổi kịp. TS. Hoàng Chí Cương, Trường Đại học dân lập Hải Phòng khuyến nghị, trước cánh cửa hội nhập, nếu không biết tận dụng, nắm bắt thời cơ và nâng cao năng lực cạnh tranh thì cơ hội có việc làm cho người lao động Việt Nam là không nhiều. Để tham gia vào thị trường lao động, người lao động cần phải chủ động tìm hiểu yêu cầu của chủ sử dụng lao động trong các ngành được phép tự do di chuyển tại các nước có nhu cầu sử dụng, từ đó chủ động nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, kỹ năng tin học và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu công việc. Quan trọng hơn cả là việc thúc đẩy tăng năng suất lao động. Việc này tuy là một thách thức nhưng lại có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” - TS. Hoàng Chí Cương khẳng định. Nguồn tin: Đấu thầu