Trước kết luận trái ngược của Trung tâm Kỹ thuật - đo lường - chất lượng khu vực II, cơ quan chức năng Đà Nẵng đề nghị nơi khác giám định lại lô sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi.
Như tin đã đưa, liên quan đến lô sắt thép phế liệu 434 tấn giá trị trên 234.400USD do Công ty cổ phần thép Thành Lợi (Đà Nẵng) nhập từ Italia về cảng Tiên Sa bị nghi ngờ là “rác bẩn”, Trung tâm Kỹ thuật - đo lường - chất lượng khu vực II (Quatest 2) đã có đến hai văn bản kết luận trái ngược nhau chỉ trong cùng một ngày 21/7, cùng số 03/DVKTTB-KT2 và cùng do Phó Giám đốc Trung tâm Trần Đình Chiến ký.
Ở văn bản đầu tiên, Quatest 2 khẳng định trong lô hàng nói trên có đến "5,11% tạp chất nguy hại" (tương đương 20 tấn), trong đó có chứa cả asen hàm lượng 0,003mg/kg), thuỷ ngân (0,012mg/kg)… vốn là các chất cực độc bị cấm nhập khẩu vào VN. Phiếu kết quả này đã được gửi cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng - khu vực 2, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36, Công an Đà Nẵng).
Đối chiếu khoản 1 điều 43 Luật Bảo vệ môi trường thì với kết quả giám định kể trên, lô hàng sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi không đảm bảo yêu cầu “không chứa chất thải, các tạp chất nguy hại”…
Chưa kể, theo văn bản 1850/2006 của Cục Bảo vệ môi trường hướng dẫn việc nhập lon sắt phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì “phế liệu nhập khẩu phải qua quá trình phân loại, làm sạch, loại bỏ các chất thải, tạp chất nguy hại tại nước xuất khẩu” mới được nhập khẩu.
Khi kiểm tra thực tế thì lô hàng của Công ty Thành Lợi hoàn toàn không đáp ứng được điều này.
Nhưng ngay sau đó, Quatest 2 lại có một "phiếu kết luận" khác cùng số, phủ nhận kết luận ở văn bản đầu tiên. Họ cho rằng, trong lô hàng của Công ty Thành Lợi “không có tạp chất nguy hại”; còn con số 5,11% trong kết quả giám định ban đầu là chỉ "tạp chất" như đất, cát, rỉ sắt, vụn vải, nilon…(!?)
Sự “tiền hậu bất nhất” này của Quatest 2 đã gây khó khăn cho việc xử lý của các cơ quan chức năng. Thượng tá Phan Văn Thước, Trưởng phòng PC36, Công an Đà Nẵng cho hay: "Vụ việc diễn biến phức tạp vì kết luận giám định của Quatest 2 là rất quan trọng, nhưng lại đang có "vấn đề"!”.
Chiều 29/7, Sở TN-MT Đà Nẵng đã phải tổ chức cuộc họp bất thường với sự tham gia của các đơn vị hải quan, PC36, Quatest 2... để giải quyết vụ việc. Cuộc họp này không chấp nhận đề nghị được tham dự của báo chí. Tuy nhiên sau đó, một số thành viên dự họp cho biết, nội dung chính cuả cuộc họp là nghe các đơn vị liên quan trình bày về việc vì sao chỉ trong 1 ngày mà Quatest 2 có hai kết luận phủ quyết nhau?
Câu trả lời từ phía Quatest 2 là "xin lỗi" với lý do... "đánh máy nhầm" (!?), chứ kết quả giám định của họ ở văn bản kết luận thứ 2 là chính xác vì được thực hiện bởi máy móc hiện đại. Lời giải thích mơ hồ này của Quatest 2 không tạo được sự đồng thuận, nên các bên liên quan đã đi đến quyết định trưng cầu giám định của một đơn vị chức năng khác.
Ngay trong sáng 30/7, Sở TN-MT Đà Nẵng và PC36 (Công an Đà Nẵng) đã tiến hành lấy mẫu hàng mới gửi Quatest 3 (TP.HCM) đề nghị giám định lại kết quả. Theo nhận định của các cơ quan chức năng địa phương, nếu kết quả giám định cho thấy lô sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi là “rác bẩn” thì đây là vụ nhập khẩu rác thải nguy hại cho môi trường lớn nhất từ trước đến nay qua cảng Đà Nẵng.
Cục Hải quan Đà Nẵng cho hay, trong trường hợp đó chắc chắn sẽ buộc Công ty Thành Lợi phải tái xuất lô hàng kèm theo những chế tài khác. Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu cũng khẳng định, nếu kết quả giám định đối chứng và kiểm tra thực tế cho thấy Công ty Thành Lợi cố tình nhập khẩu hàng hóa dạng “rác bẩn” gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định chung thì sẽ kiến nghị UBND TP xử phạt nghiêm, buộc doanh nghiệp phải giải quyết hậu quả một cách nghiêm túc.