S&P Global Platts dẫn lời các chuyên gia dự đoán, thị trường thép của Trung Quốc trong năm nay sẽ ít biến động hơn so với năm 2021.
Giá thép của Trung Quốc đã trải qua một năm 2021 biến động khó lường khi chính quyền Bắc Kinh yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm sản lượng thép để hạ mức phát thải khí nhà kính.
Sang năm 2022, thị trường nhìn chung kỳ vọng giá thép sẽ ít biến động hơn vì chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không mạnh tay kiểm soát ngành công nghiệp thép như năm ngoái.
Chia sẻ với S&P Global Platts, các chuyên gia trong ngành dự đoán sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ tăng trong nửa đầu năm và sau đó hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Song, sản lượng cả năm vẫn duy trì tương đương năm 2021.
Ngoài ra, giá thép cũng được cho là sẽ ít biến thiên hơn, nhưng mức giá trung bình cả năm có thể giảm một chút do nhu cầu chung tăng chậm.
S&P Global Platts nhận thấy vào năm ngoái, giá thép cuộc cán nóng (HRC) trên thị trường giao ngay ở Thượng Hải dao động trong khoảng 4.420 nhân dân tệ - 6.680 nhân dân tệ/tấn (tương đương 694 - 1.050 USD/tấn), giá trung bình cả năm khoảng 5.320 nhân dân tệ/tấn.
Các nguồn tin của S&P Global Platts ước tính, mức giá năm nay sẽ nằm trong khoảng 4.000 - 5.500 nhân dân tệ/tấn.
Dưới đây là các yếu tố chủ chốt có thể tác động đến ngành công nghiệp thép của Trung Quốc trong năm 2022:
1. Nhu cầu thép của ngành bất động sản hạ nhiệt
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc được dự đoán là sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ chững lại đáng kể sau nhiều năm nhận được kích thích từ chính phủ, cụ thể là trong giai đoạn 2016 - 2020.
Một trở ngại của lĩnh vực địa ốc là tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đã chạm mức 64% vào năm 2020. Thông thường, tốc độ đô thị hóa sẽ chững lại và mức tiêu thụ thép cũng đi xuống khi tỷ lệ này tới ngưỡng 60%. Trong 20 năm qua, đô thị hóa là động lực chủ chốt của ngành bất động sản và nhu cầu thép của đất nước tỷ dân.
Khả năng Trung Quốc áp dụng thuế bất động sản trong tương lai gần cũng như việc tỷ lệ sinh giảm xuống cũng sẽ gây áp lực dài hạn cho hoạt động phát triển địa ốc, S&P Global Platts nhấn mạnh.
Mặt khác, Bắc Kinh đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và các hạn chế tài chính đối với lĩnh vực bất động sản từ cuối năm ngoái. Điều này sẽ hỗ trợ cho bất động sản, có thể giúp đầu tư vào lĩnh vực địa ốc bớt tụt dốc từ quý II. Tuy nhiên, nỗ lực của chính phủ cũng không đủ để đảo ngược xu hướng trầm lắng của ngành bất động sản.
2. Lĩnh vực chế tạo vẫn cần thép nhưng có rủi ro phía trước
Trong hầu hết năm 2022, nhu cầu thép của lĩnh vực chế tạo có thể sẽ ổn định hơn ngành bất động sản. Một số chuyên gia cho biết nhu cầu mạnh mẽ của thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc là động lực chính đằng sau triển vọng nhu cầu thép của lĩnh vực chế tạo.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn là nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của nước ngoài sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022. Khi đó, hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu sẽ dần trở về bình thường, điều này diễn ra cùng lúc với chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ.
Ở diễn biến khác, một số nguồn tin của S&P Global Platts đang lo ngại nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc có thể vẫn chưa phục hồi. Họ cho biết thu nhập của các hộ gia đình Trung Quốc khó có thể cải thiện để thúc đẩy tiêu dùng, do đó nhu cầu các thiết bị gia dụng sử dụng thép chưa thể bật tăng.
Một dây chuyền sản xuất thép tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: Global Times).
3. Chính sách môi trường của Bắc Kinh
Trung Quốc đã tuyên bố đặt tăng trưởng công nghiệp làm ưu tiên hàng đầu trong năm 2022, đồng thời nới lỏng các yêu cầu cắt giảm sản lượng thép trong chính sách giảm phát thải năm nay.
Đầu tuần này, chính quyền Bắc Kinh đã đặt năm 2030 là thời hạn mới để ngành công nghiệp thép đạt đỉnh phát thải, mục tiêu trước đó là năm 2025. Qua đó, các công ty chế biến thép tại Trung Quốc sẽ có thêm 5 năm nữa để hoàn thành mục tiêu đạt đỉnh phát thải CO2.
Hầu hết các nhà máy thép, đặc biệt là các cơ sở ở miền bắc Trung Quốc, sẽ hoạt động hết công suất từ tháng 1 và chỉ bắt đầu hạ sản lượng trong nửa cuối năm. Thông thường, nhu cầu thép trong 6 tháng đầu năm thường cao hơn 6 tháng cuối năm và chính phủ cũng "nhẹ tay" với ngành thép trong khoảng đầu năm hơn.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dần thay đổi công nghệ sản xuất thép từ truyền thống sang dùng lò điện hồ quang cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp ô nhiễm này dễ hoàn thành các mục tiêu phát thải hơn.
4. Bầu trời quang đãng cho Thế vận hội mùa đông
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu nhà máy thép ở các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam, Sơn Đông và thành phố Thiên Tân phải giữ sản lượng thép thô ở mức thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn ngày 1/1 - 15/3.
Mục đích của chính sách trên là để giảm bớt khói bụi nhằm đảm bảo không khí trong lành cho Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 4 đến 20/2.
Dựa trên sản lượng của cùng kỳ năm 2021, S&P Global Platts dự đoán, sản lượng gang và thép thô hàng ngày của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm có thể đạt lần lượt là 2,11 triệu tấn và 2,59 triệu tấn.
Bắt đầu từ tháng 3, việc siết sản lượng thép ở miền bắc Trung Quốc sẽ dần kết thúc. Song song với đó, sản lượng gang và thép có thể ngang bằng hoặc vượt mức của năm 2021 ngay trong nửa đầu năm nay.
5. Công suất luyện gang thép mới
Năm ngoái, Trung Quốc có tổng công suất mới khoảng 86 triệu tấn gang/năm và 108 triệu tấn thép/năm dự kiến đi vào hoạt động, theo dạng hoán đổi công suất với các cơ sở cũ. Tuy nhiên, S&P Global Platts ước tính, đến tháng 12 cùng năm, lượng công suất mới đi vào vận hành chỉ khoảng 34 triệu tấn gang/năm và 36 triệu tấn thép/năm.
Việc đưa vào vận hành công suất luyện gang thép mới dự kiến sẽ tăng tốc từ đầu năm 2022. Do một số nhà máy cũ đã đóng cửa từ lâu và các cơ sở mới hiệu quả hơn, nên việc đưa công suất mới đi vào hoạt động có thể giúp tổng công suất chung tăng lên.
Tuy nhiên, tổng công suất sản xuất gang thép của Trung Quốc có thể giảm dần từ cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 do Bắc Kinh sẽ siết chặt các quy định hoán đổi công suất này.
Nguồn tin: Vietnambiz