Nhà nước cần tránh can thiệp vào 5 dự án thua lỗ theo kiểu “đâm lao phải theo lao” và để các doanh nghiệp khác tự đầu tư.
Nhà nước tránh can thiệp
Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11. Trong đó có nội dung, yêu cầu Bộ Công Thương cùng các bộ ngành có liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý đối với 5 dự án đầu tư không hiệu quả đã báo cáo Quốc hội, bảo đảm thu hồi tối đa vốn và tài sản của nhà nước, xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hoan nghênh sự cương quyết của Chính phủ trong việc chỉ đạo giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ trên.
“Tình trạng này đã kéo dài lâu quá rồi. Vì vậy, giải quyết có hướng phải thu hồi vốn và yêu cầu phải quy định làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Đó là 2 điểm mấu chốt.
Tôi nghĩ mỗi một dự án lại có cái khác nhau. Dự án gang thép Thái Nguyên khác, phân đạm Ninh Bình cũng khác. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất hay dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng cũng có những điểm riêng. Vì vậy cần có quy định rõ dự án nào có thể làm được gì?”, TS Doanh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh nhà nước cần tránh can thiệp vào 5 dự án thua lỗ theo kiểu
“đâm lao phải theo lao” và để các doanh nghiệp khác tự đầu tư.
Theo vị chuyên gia, điều quan trọng vào thời điểm này đó là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh việc “đâm lao phải theo lao”, tức là nhà nước ra sức cứu giúp các dự án.
“Tôi đề nghị phải xem xét thật nghiêm túc vấn đề này.Trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế quốc tế, các thị trường nước ta bây giờ không phải riêng chúng ta. Sắp tới hàng Trung Quốc vào Việt Nam với thuế suất 0% thì càng nghiêm trọng hơn.
Tùy từng dự án mà có các cách khác nhau, tuy nhiên tôi cho rằng nên ưu tiên phương án bán và cho phá sản doanh nghiệp, chuyển sang thu hồi vốn như chỉ thị của Chính phủ. Chúng ta nên để cho người khác đầu tư vào đó, nhà nước không nên tiếp tục đầu tư và đưa vốn vào đó”, TS Doanh nhấn mạnh.
Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai
Một vấn đề khác được TS Lê Đăng Doanh lưu ý đó là xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến tình trạng thua lỗ của các dự án này.
“Cơ quan thanh tra phải xem xét ai ký quyết định và hồ sơ đã đầy đủ chưa. Và phương án đó nhẽ ra phải đem lại hiệu quả ra sao? Giờ vì sao lại thành ra thua lỗ kéo dài. Trách nhiệm tại người ký quyết định, người thi công hay khâu nào đó cần phải giải trình rõ ràng. Sai đến đâu xử lý nghiêm tới đó”, TS Doanh nêu quan điểm.
Đánh giá thêm về khả năng thu hồi vốn từ các dự án trên, vị chuyên gia cho rằng, chắc chắn không thể lấy lại 100% như ban đầu. Việc triển khai các biện pháp của Chính phủ cần dựa trên tinh thần “vớt vát được chỗ nào hay chỗ ấy”.
“Việc ưu tiên xử lý dự án nào trong 5 dự án trên, tôi không dám có ý kiến. Tôi nghĩ Bộ Công Thương có đầy đủ các vụ chuyên môn theo dõi. Họ sẽ có những tiêu chí rõ ràng, cái nào có thể cứu vãn được, cứu vãn bao nhiêu hoặc cái nào không thể cứu vãn được.
Tuy nhiên muốn làm được như vậy thì phải có giám định quốc tế công khai, độc lập. Nếu nể nang thì lại bán trao tay hoặc có công ty sân sau thì điều đó là không thể chấp nhận”, TS Doanh nhấn mạnh.
Nguồn tin: Đất việt