Theo số liệu thống kê vừa mới công bố của Tổng cục Thống kê, về cơ bản, trong 5 tháng đầu 2017, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có gia tăng nhẹ.
Theo đó, tính đến ngày 15/5, cả nước đã gieo cấy được 3.075,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.143,9 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.931,9 nghìn ha, bằng 100,3%. Hiện nay, trà lúa đông xuân sớm ở phía Bắc đang trong giai đoạn trổ bông, chín sữa.
Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1.169,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 114,4% cùng kỳ năm 2016. Lúa hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống sâu bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đúng kỹ thuật và đảm bảo lịch thời vụ.
Cũng trong tháng 5, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 20,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 11,2 triệu cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 878 nghìn m3, tăng 8,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 77,1 nghìn ha, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dù công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong tháng 5, cả nước có 309,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 72,4 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 237,1 ha. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 747 ha, giảm 66,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 228 ha, giảm 87,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 519 ha, tăng 32,4%.
Trong tháng, sản lượng thuỷ sản cả nước ước tính đạt 692 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước….
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016, nhưng cao hơn mức tăng 5,2% của 4 tháng đầu năm nay. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,1%...
Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2017 giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,3%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/5/2017 tăng 11% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 4 tháng đầu năm 2017 là 71,6%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 106,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 99,4%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2017 tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước tính đạt 23.049,7 tỷ đồng. Trong tháng, các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm còn chậm. Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2017 thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5.595,4 triệu USD, tăng 3,5% về số dự án và giảm 26,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.742,9 triệu USD.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2017 có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.792 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12.130,3 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 4/2017 đạt 17.536 triệu USD, cao hơn 836 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 783 triệu USD; giày dép cao hơn 112 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 86 triệu USD; hạt điều cao hơn 36 triệu USD; sắt thép cao hơn 34 triệu USD; dầu thô thấp hơn 67 triệu USD; sắn và sản phẩm của sắn thấp hơn 47 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng thấp hơn 40 triệu USD; túi xách, va li, mũ, ô dù thấp hơn 35 triệu USD; cà phê thấp hơn 34 triệu USD…
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,4 tỷ USD, giảm 3,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm tăng 19,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 22%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 22,1 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 57,2 tỷ USD, tăng 19%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9,5%; Trung Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 40,3%; ASEAN đạt 8,6 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 5,7 tỷ USD, tăng 34,4%.
Nguồn tin: Vinanet