Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

6 tháng, xuất lậu 2 triệu tấn than!

(ĐVO) - TS. Nguyễn Thành Sơn cho biết, tình trạng xuất lậu than có từ thời Bộ Năng lượng, năm nào cũng có. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 2 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc, số liệu này Vinacomin cũng nắm được.

Trước thực tế khoáng sản thô của Việt Nam đang bị xuất lậu tràn lang sang Trung Quốc, không chỉ gây lãng phí tài nguyên, thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, với số tiền ước tính mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng (thậm chí hơn). Mới nhất là việc Hiệp hội Thép công bố những số liệu Hải quan Việt Nam và Trung Quốc trong việc xuất – nhập quặng sắt, với độ chênh lệch là gấp đôi cả về giá và số lượng.

Chiều 16/7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL Các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản VN - Vinacomin) về hiện trạng xuất lậu than và các loại khoáng sản khác của VN hiện nay.

PV: – Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực khai thác than và khoáng sản, ông có biết về tình trạng khai khống và xuất lậu khoáng sản hiện nay?

ts-nguyen-thanh-son-Baodatviet.vn.jpg

TS. Nguyễn Thành Sơn.

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Cái này bọn tôi biết từ lâu rồi, đặc biệt với than, từ thời còn Bộ Năng lượng (năm 1987 tới 1995), số liệu bao giờ cũng có chênh lệch. Nạn buôn lậu của mình phải nói là rất lớn, trốn thuế rất lớn, có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các lực lượng kiểm soát.

Từ thời còn Bộ Năng lượng (tiền thân của Bộ Công thương ngày nay), số liệu thống kê giữa Bộ Năng lượng với Bộ Ngoại thương (quản lý Hải quan) đã có sự chênh lệch: số liệu của Hải quan bao giờ cũng cao hơn số liệu báo cáo của các doanh nghiệp thuộc Bộ Năng lượng. Sau này khi các công ty khai thác than thành lập Tổng công ty thì số liệu Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc cũng chênh lệch rất nhiều, nằm nào cũng có chênh lệch.

Riêng 6 tháng đầu năm nay đã chênh lệch trên 2 triệu tấn than (xuất lậu – PV), ngay cả Tập đoàn Than – Khoáng sản cũng nắm được số liệu này. Giá thành khai thác than hiện nay là khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, còn giá bán than trong nước hiện nay bình quân là gần 1,3 triệu đồng/tấn, còn xuất khẩu thì phải cao hơn, chưa kể số tiền thuế xuất khẩu hiện nay là 13%, từ đấy tính ra số tiền thất thoát là rất lớn, nhà nước không thu được một đồng nào.

Quặng sắt còn nguy hiểm hơn, không chỉ chênh gấp đôi về số lượng, còn chênh gấp đôi về giá cả kê khai, rồi còn thất thu thuế qua việc kê khai giá thấp, khai với Hải quan Việt Nam chỉ 46 USD/tấn, còn kê khai với Hải quan Trung Quốc là 92 USD/tấn.

PV: - Với các loại quặng khác có xảy ra tình trạng này không, thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Chắc cũng thế thôi,  quặng đồng lại càng dễ vì nằm sát ngay biên giới Việt – Trung.

PV: - Với than thì việc xuất lậu được thực hiện theo hình thức thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Than là xuất lậu trực tiếp, đi đường tiểu ngạch, chứ không phải kiểu kê khai khống như với quặng sắt.

Than thổ phỉ khai thác giờ không có hoặc rất ít, chỉ có công ty thuộc Tập đoàn khai thác, nên muốn lấy than phải móc ngoặc với công ty khai thác để lấy ra. Lẽ ra than khai thác lên là sạch, tốt, nhưng trong quá trình vận chuyển các đối tượng là "người ngoài" móc ngoặc với người của công ty để “rút ruột” than, lấy một phần than và trộn vào đó số lượng đá tương đương.

Chẳng hạn, lẽ ra khai thác được 10 tấn than tốt, nhưng khi vận chuyển các đối tượng móc ngoặc lấy đi 2 tấn than rồi trộn vào đó 2 tấn đá, như vậy vẫn đảm cân nặng không bị hao hụt, nhưng chúng đã “rút ruột” được 2 tấn than để xuất lậu.

Sau khi lấy được htan, các đối tượng này chuyển thẳng ra xà lan, thuyền chở sang bên kia Trung Quốc bằng đường biển, và đều phải qua vịnh Bái Tử Long sang Trung Quốc, nên chỉ cần kiểm soát cửa vịnh này thì than lậu hết đường đi. Dễ vậy nhưng vẫn có xuất lậu thì chắc chắn là buông lỏng quản lý. Còn nếu có kiểm soát thì làm gì xuất lậu hàng triệu tấn than mỗi năm mà lâu lâu chỉ bắt được một hai tàu chở vài ba nghìn tấn, chẳng qua là lâu lâu bắt một vụ gọi là điển hình để báo cáo.

PV: – Lãnh đạo Hiệp hội Thép nói rằng, đối tượng tham gia khai thác và xuất lậu quặng chủ yếu là con ông, cháu cha… các đối tượng tham gia xuất lậu than có giống như vậy không thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn:- Cái đấy thì tôi cũng không rõ, nhưng chắc chắn để lấy được than thì phải có đối tượng ăn cắp than từ trong mỏ đưa ra, mà đối tượng này phải là người của công ty hoặc địa phương (địa bàn khai thác than), rồi sau đó mới ra cảng được. Vận chuyển thì mói có thể là người nơi khác đến tham gia được.

Khi ra biển thì trách nhiệm thuộc các lực lượng khác và chính quyền địa phương, như công an, biên phòng, thuế, hải quan, cảnh sát biển, cảng vụ…đây là lực lượng do nhà nước, địa phương quản lý, chứ ngành than không quản lý.

Muốn qua được 4, 5 cửa như thế thì chắc cũng như Hiệp hội Thép nói là phải con ông, cháu cha, đường dây móc ngoặc…

Tàu chở 2.000 tấn than xuất phát từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) đang trên đường xuất lậu sang Trung Quốc thì bị lực lượng Cảnh sát biển VN bắt giữ hôm 16/3 vừa qua. Ảnh: TTO.

PV: - Việc xuất lậu, kê khai khống giá và số lượng đã xuất hiện từ vài chục năm trước, các cơ quan chức năng đã bao giờ có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn gì chưa, hay vẫn buông lỏng quản lý như vậy?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Đúng là có từ lâu rồi, làm ngơ cho từ lâu rồi chứ không phải giờ mới có.

Hiện tượng như vậy thì có thể suy ngược lại là buông lỏng quản lý từ trước tới nay, gác cổng thì nhiều nhưng vẫn cứ lọt. Tôi cũng không rõ biện pháp thế nào, thình thoảng thấy công bố trên báo chí là bắt được tàu than nọ, tàu than kia xuất lậu.

 PV: - Bộ Công Thương có giải thích rằng, do hiện nay Hải quan Việt Nam và Trung Quốc chưa có hiệp định về trao đổi thông tin nên không có điều kiện kiểm tra tính chính xác của các số liệu thống kê, ông nghĩ sao về điều này?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Thỏa thuận hay không là do nhà nước, mà chả cần thỏa thuận chỉ cần cử mấy người sang làm việc với Hải quan bên kia (Trung Quốc – PV) thì lòi ra ngay chứ cần gì phải thỏa thuận với không thỏa thuận?

PV: - Trong khi hiện nay Tập đoàn Than - Khoáng sản lấy lý do sản lượng khai thác giảm, chi phí sản xuất tăng để tăng giá bán than trong nước, đặc biệt với than bán cho điện, trong khi một số lượng lớn than lại đang bị “rút ruột” để bị xuất lậu, ông nghĩ sao về điều này?

TS. Nguyễn Thành Sơn:- Việc rút ruột như vậy không chỉ làm thất thoát lớn cho ngân sách, nó còn làm tăng chi phí, đội giá thành khi anh phải bỏ chi phí khai thác 10 tấn nhưng chỉ được bán có 8 tấn. Giờ đang kiểm toán, nhưng thực ra việc kiểm toán cũng chỉ là đi hợp thức hóa cho giá thành cao.

Thêm nữa, chắc chắn để ăn cắp được 2 tấn than thì phải đổ thêm 2 tấn đá vào đó để bù trọng lượng cho số lấy đi, nó làm chất lượng than giảm, thiệt hại cho nền kinh tế, thiệt hại cho các hộ sử dụng than như điện, xi măng, sắt thép…

PV: – Vậy để ngăn ngừa tình trạng xuất lậu khoáng sản hiện nay ông có kiến nghị gì?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Tôi cũng từng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội mấy lần, nói trên báo chí cũng nhiều, giờ nhà nước mình chỉ cần sang làm việc với Hải quan Trung Quốc là rõ ngay chứ đâu khó khăn gì?

Vừa rồi tôi đã có thư trình bày hiện trạng xuất lậu than với Tổng Bí thư.

Tôi chả có đề xuất gì cả, chỉ nêu hiện tượng vậy thôi, còn trách nhiệm là các cấp ngành, địa phương. Nếu chỉ viện vào cớ có chung chi, lợi ích nhóm… thì có đề xuất thế nào đi nữa thì cũng chả làm được.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn : Baomoi

 

ĐỌC THÊM