Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

600 tỷ USD có đủ kích thích kinh tế Mỹ?

Sau 2 ngày họp, hôm nay Cục dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố, sẽ tung ra 600 tỷ USD từ nay đến cuối tháng 6/2011 để kích thích nền kinh tế Mỹ phát triển.

 

600 tỷ USD có đủ kích thích kinh tế Mỹ?
 

 

 

Quyết định này của Fed được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ được đánh giá là không rơi vào đại suy thoái, nhưng sự phục hồi thì hết sức chậm chạp và mong manh.

Có thể nói, ngay sau khi Fed tuyên bố bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế thì tất cả những tờ báo lớn của Mỹ đều có những bài phân tích về quyết định này.

Tờ The Economist đã trích một đoạn trong tuyên bố này của Fed, rằng quyết định này là “để tăng đà phục hồi kinh tế và đảm bảo lạm phát ổn định ở mức độ cho phép” và cho biết, Uỷ ban thị trường tự do liên bang FOMC “sẽ đều đặn xem xét số lượng và tiến độ mua để điều chỉnh nếu cần nhằm tạo công ăn việc làm nhiều nhất có thể và ổn định giá cả”.

Tờ này còn cho biết thêm, các chuyên gia từ nhà kinh tế học Joseph Stiglitz từng đoạt giải Nobel đến giám đốc tập đoàn quản lý trái phiếu Pimco-Bill Gross đều dự đoán rằng, chính sách này vừa không hiệu quả, lại còn nguy hiểm.

Trên Reuters, hai tác giả Pedro da Costa và Mark Felsenthai đã cho rằng: “Fed đang đi một bước mạo hiểm và dũng cảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” ngay trong tiêu đề bài viết. Các tác giả này cũng cho biết, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ mua khoảng 75 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn mỗi tháng - như là một phần của chính sách mới này và sẽ từ từ xem xét số lượng và tiến độ mua để điều chỉnh nếu cần cho phù hợp với sự hồi phục kinh tế.

Ngân hàng dự trữ liên bang New York còn cho biết thêm, gần 90% lần mua này sẽ chủ yếu là trái phiếu kho bạc trong khoảng thời gian đáo hạn từ 2 năm rưỡi đến 10 năm. Nhận xét về điều này, Jeff  Kleintop - nhà chiến lược thị trường tại LPL Financial, Boston nói: “Quyết định này sẽ giúp thị trường thông suốt hơn” nhưng “câu hỏi đặt ra ở đây là liệu như thế có đủ không”.

Tờ New York Times với bài viết của 2 tác giả Sewell Chan và David E.Sanger đã cho biết, Fed đã đề cập đến tỷ lệ thất nghiệp cao và lạm phát thấp và nhận định rằng, tiến trình phục hồi kinh tế “chậm một cách đáng thất vọng” trước khi đưa ra quyết đinh này. Cựu thống đốc Fed, ông Laurence H. Meyer cũng cho biết thêm rằng “viễn cảnh của sự ùn tắc ngân khố kéo dài đã buộc ông Bernake phải ra quyết định này” và “ông Bernanke đã khẩn cầu với Quốc hội về khoản hỗ trợ tài chính, nhưng không chắc đã được chấp thuận nên đã buộc phải hành động”.

Bài viết này cũng đưa thêm một thông tin đáng chú ý khác là, Tổng thống Obama đã cho biết tại phiên họp với phần lớn các Hạ nghị sỹ mới thuộc đảng Cộng hòa rằng, Tổng thống sẽ duy trì chính sách miễn thuế cho các hộ gia đình thu nhập dưới 250.000 USD một năm từ thời Tổng thống Bush. Và theo như một bài viết khác cũng trên tờ New York Times của tác giả Liz Alderman, chính sách miễn thuế này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và làm đồng USD hạ giá hơn nữa. Ông Meyer đã dự đoán “màn kịch chính trị chỉ mới bắt đầu”.

Trong khi đó, Bloomberg cho biết, quyết định của Fed là lớn nhất trong tuần lễ marathon của hội nghị các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Úc và Ấn Độ hôm qua đã tăng lãi suất để giảm lạm phát. Ngày mai, ngân hàng Anh có thể sẽ để cánh cửa mở, đón thêm nhiều khoản hỗ trợ khác cho nền kinh tế Anh trong khi ngân hàng trung ương châu Âu duy trì ngưỡng chống tăng giá. Ngân hàng Nhật Bản ngày 5/11 có thể sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế.

Các thông tin đồng USD hạ, giá chứng khoán Hoa Kỳ chững lại nhưng tăng vào cuối ngày sau quyết định của Fed đều được các báo đưa tin. Đặc biệt trên Reuters, bài viết với tựa đề “ảnh hưởng quyết định của Fed đến giá cả hàng hóa và năng lượng” đã dẫn lời nhận xét của các nhà kinh tế học, trong đó đáng chú ý là các nhận xét về việc giá vàng sẽ tăng trong dài hạn. 

Nguồn: VTV

ĐỌC THÊM