Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

7 sự kiện kinh tế 'choáng' nhất năm 2010

Năm 2010, biến động bất thường của các thị trường vàng, USD, bất động sản... đã khiến nhiều người dở khóc, dở cười. VnMedia tổng hợp lại những con số và sự kiện 'choáng' nhất trong năm 2010 và có khả năng tiếp tục gây ảnh hưởng trong năm tới.

1. Cuộc rượt đuổi về lãi suất

Năm 2010 sự biến động về lãi suất đã khiến nhiều doanh nghiệp và các thị trường hàng hoá chịu ảnh hưởng mạnh.

Ngay từ đầu năm 2010, Chính phủ đã có yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng phải hạ lãi suất cho vay về mức 12%/năm. Tuy nhiên lãi suất vẫn liên tục ngấm ngầm gia tăng.

Theo một số chuyên gia đánh giá, việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất cơ bản lên 9% khiến lãi suất huy động và cho vay liên tiếp tăng mạnh. Bên cạnh đó “ốm yếu” về thanh khoản của các ngân hàng đã khiến cuộc đua lãi suất tăng tốc không ngừng và đỉnh điểm là mức lãi suất huy động lên tới 18%/năm.

Cuộc đua chỉ tạm dừng mới đây sau khi Ngân hàng Nhà nước có biện pháp mạnh tay hơn bằng việc cam kết không tăng lãi suất thay cho sự đồng thuận trước đây của các ngân hàng thương mại. Và “cắm mốc” cho các ngân hàng thương mại chỉ được tăng tối đa là 14%/năm.

 

Lãi suất tăng vọt khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2010. Ảnh: KN

2. “Hỗn loạn” thị trường vàng, USD

Năm 2010 được ghi vào lịch sử thị trường vàng với mức giá kỷ lục và sự hỗn loạn trên thị trường.

Nếu như ngày 11/11/2009 được coi là ngày biến động kỷ lục của vàng thì ngày 9/11/2010 là lúc kịch bản bất ngờ thứ hai được tái lập. Mức giá hơn 38 triệu đồng/lượng được thiết lập khi giá vàng thế giới lập đỉnh kỷ lục trên 1.400 USD/ounce.

Để "dẹp loạn" giá, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Việc giảm giảm thuế từ 1% xuống 0% đối với vàng nhập khẩu và tăng thuế xuất khẩu vàng từ 0,5% lên 1% đã góp phần đưa vàng dần về với giá thực của nó.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự hỗn loạn của thị trường vàng một phần bị giới đầu cơ thao túng. Ngay thị trường USD cũng tăng nóng vì giá vàng. Tính riêng trong năm nay, người buôn vàng cũng đã lãi tới 33%.

Ngoài ra trong năm 2010, NHNN đã bất ngờ 2 lần điều chỉnh tỷ giá. Hồi đầu năm, NHNN đã tăng tỷ giá thêm 3% (18.544 VND/USD). Chỉ trong vòng 6 tháng, NHNN lại tiếp tục nâng tỷ giá bình quân liên hàng từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND.

Sự điều chỉnh này đã đẩy tỷ giá USD/VND giao dịch tại các ngân hàng lên mức 19.500 VND. Sau nhiều tháng lắng dịu ở mức giao dịch trên 19.000đồng/USD, sự thay đổi tỷ giá của các ngân hàng khiến USD giao dịch thị trường tự do thêm sôi động. Mức giá liên tiếp được đẩy lên nhanh chóng, và từ quý 4/2010, tỷ giá USD thẳng tiến lên mốc trên 21.000 đồng/USD.

"Bão" vàng quần đảo thị trường trong năm 2010

3. Lạm phát thẳng tiến lên 11,75% dù được dự báo dưới 2 con số

Mặc dù Chính phủ đã hết sức nỗ lực để kìm hãm sự gia tăng lạm phát nhưng CPI tháng 12 năm 2010 đã tăng 1,98 % đã đẩy lạm phát năm nay lên tới 11,75% so với cùng kỳ năm 2009.

Con số này đã vượt xa mục tiêu 8% mà Quốc hội đã đề ra. Dự báo trước đó của các tổ chức cũng bị chệch hướng. Hồi đầu quý 2/2010, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã dự báo, lạm phát trong năm nay ở khoảng 10%. Trong khi đó Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã dự báo lạm phát cả năm 2010 của Việt Nam cũng chỉ ở mức 10,5%.

CPI vọt tăng những tháng cuối năm 2010

4. Sự trồi sụt u ám trên thị trường chứng khoán

Khác với thị trường vàng, lỗ 18% là con số buồn của thị trường chứng khoán năm nay. Từ đầu năm thị trường chứng khoán được hứa hẹn là kênh đầu tư tiềm năng nhất trong năm 2010. Tuy nhiên ngay từ quý 1, thị trường chứng khoán VN đã liên tiếp mất điểm.

Những tháng tiếp theo, thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt. Cùng lúc đã xuất hiện những mánh khoé làm giá cổ phiếu, khiến cổ phiếu tăng, giảm rối loạn, bất thường.

Bên cạnh hiện tượng làm giá là động thái mạnh tay từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bằng “mưa” xử phạt. Tính sơ bộ trong tháng nửa đầu của tháng 12 năm nay, UBCK đã liên tục ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhiều hình thức vi phạm như, giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin; hiện tượng làm giá cổ phiếu bằng những hành vi đưa tin, gom cổ phiếu, đẩy giá lên, xả hàng chốt lời đã được phát hiện. Vụ xử phạt năng nhất là việc bắt giữ ông Lê Văn dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông về tội thao túng giá chứng khoán.

Đây là vụ đầu tiên tại Việt Nam bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán kể từ khi tội danh này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Theo quy định, hình phạt đối với người có hành vi thao túng giá chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị xử tới ba năm tù giam.

Chứng khoán lỗ khoảng 18% trong năm nay

5. Bất động sản ăn theo giá vàng và… quy hoạch

Theo tính toán của một số chuyên gia, bất động sản vẫn tăng giá mạnh trong năm 2010. Đã có nơi tăng 100%, có khu vực tăng 30%, ăn theo giá vàng. Bất động sản khu vực Hà Nội vẫn được coi là khá hấp dẫn giới đầu tư.

Cũng trong năm nay, cơn sốt đất khu vực phía tây do bản quy hoạch của UBND TP.Hà Nội lấy trung tâm hành chính là khu vực Ba Vì đã khiến khối kẻ hốt bạc, nhưng cũng không ít người ôm cục nợ.

Có có thời điểm, hàng trăm người đổ xô săn lùng đất khắp vùng núi Ba Vì, khiến giá đất ở khu vực này bị đẩy lên mức vài trăm phần trăm. Thậm chí những mảnh đất cằn cỗi xưa được tính giá vài triệu/sào, thì nay đã được quy đổi ra hàng triệu đồng/mét vuông để bán. Nhiều người nông dân lâu nay chỉ ước có tiền triệu để tiêu nay bỗng trở thành tỷ phú trong phút chốc. Tuy vậy, khi kỳ họp quốc hội vào giữa năm 2010 bắt đầu thì cơn sốt đất cũng được dập tắt và nhiều người phải nuốt "quả đắng" vì "ôm" đất.


6. 60% doanh nghiệp FDI báo lỗ

Tính tới ngày 21/12/2010 luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,595 tỷ USD, giảm 17,8%, tương đương hơn 4 tỷ USD so với năm 2009.

Trong năm 2009, chuyện lỗ liên tiếp của doanh nghiệp FDI còn chưa có lời giải đáp thoả đáng thì năm 2010, mối quan tâm đặc biệt lại nổi lên khi con số 60% doanh nghiệp khu vực này báo lỗ.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Vụ đổi mới doanh nghiệp,Văn phòng Chính phủ, tuy lỗ nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại luôn muốn mua lại phần vốn đóng góp còn lại của phía đối tác Việt Nam. Cùng nhận định, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, báo lỗ là câu chuyện khả nghi và chuyện chuyển giá từ công ty mẹ sang công ty con ở doanh nghiệp FDI là một vấn đề đáng mổ xẻ.

7. Vinashin bên bờ phá sản

Kể từ khi lên Tập đoàn theo quyết định của Thủ tuớng chính phủ ngày 15/05/2006, sau 4 năm,Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã nợ lên đến hơn 80.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2 tỷ USD, tức là đã bằng khoảng 4% GDP của cả nước năm 2009 .
Sự kiện của Vinashin đã trở thành đề tài gay gắt bên trong lẫn bên ngoài của các kỳ họp Quốc hội trong năm nay.

Bên cạnh những đánh giá về thành tựu mà Vinashin đã đóng góp cho ngành đóng tàu Việt Nam, Chính phủ cũng đã nghiêm khắc nhìn nhận vấn đề dẫn đến tình trạng thua lỗ, nợ nần của tập đoàn này.

Không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư chung của đất nước,Chính phủ đã khẩn trưởng giải pháp tái cơ cấu, sớm ổn định sản xuất.

Từ tháng 7 đến tháng 9/2010, Vinashin đã bàn giao được 5 con tàu đóng mới cho khách hàng với tổng giá trị hợp đồng là 70 triệu USD. Vào thời điểm cuối năm nay sẽ bàn giao 35 tàu với số tiền thu về khoảng 152 triệu USD. Hàng nghìn công nhân đã có việc làm trở lại.

Nguồn: VnMedia

ĐỌC THÊM