Châu Âu về cơ bản đang rơi vào suy thoái giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng chững lại ….là những sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua.
1. Châu Âu về cơ bản đang rơi vào suy thoái
Trong tuần qua, các thành viên thuộc khu vực đồng Euro đã cắt viện trợ, ngừng các khoản giải ngân cho Hy Lạp và để họ tự quyết định xem quốc gia đang có nguy cơ vỡ nợ này sẽ ở hay rời khu vực đồng tiền chung châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ diễn ra trong 5 tuần tới.
Song song với việc đó, các nhà lãnh đạo ở châu Âu cũng đang tích cực mời chào để Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi khác tăng cường đầu tư vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF). EFSF là một phần thuộc kế hoạch cứu trợ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro này.
Một trong những minh chứng cho việc châu Âu về cơ bản đang rơi vào suy thoái đó là tổng số người thất nghiệp ở Đức bất ngờ tăng lên thành 1 vạn người, đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở đây tăng thêm 7%.
2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại
Các ngành phi sản xuất của Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm, gây lo ngại rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát đang chặn đà tăng trưởng kinh tế ở đây. Chỉ số phi sản xuất (NMI) của quốc gia này đang đứng ở mức 57,7 điểm trong tháng 10 vừa qua, giảm một chút so với mức 59,3 điểm từ một tháng trước đó. Nền kinh tế của quốc gia này hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường bất động sản vẫn trì trệ.
3. Lũ lụt ở Thái Lan gây cản trở mọi hoạt động sản xuất
Các công ty công nghệ cao và các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận lụt vẫn còn kéo dài dai dẳng ở đây. Mọi hoạt động sản xuất của họ gần như đã bị đình trệ với nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hỏng khi nước lũ dâng cao.
Trận lụt lịch sử này đã cướp đi sinh mạng của gần 450 người trong đó có 2 người chết do nhiễm khuẩn. Giới chức ở đây đang lo ngại dịch bệnh có thể sẽ phát sinh và lây lan từ thảm hoạ trên.
4. Các mục tiêu tài chính của Ireland khó thành hiện thực
Quốc gia này đã cam kết sẽ tự cắt giảm thêm 5,2 tỷ USD nhằm giảm thâm hụt ngân sách trong khi họ vẫn phải tiếp tục tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ireland đã giảm xuống chỉ còn 1,6% từ mức 2,5% vào đầu năm nay.
Theo dự báo, mức tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới và một vài chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể nó sẽ chỉ còn ở mức 1,2%.
5. Hai công ty tài chính khổng lồ của Mỹ tiếp tục chịu lỗ nặng
Hai đại gia tài chính Fannie Mae và Freddie Mac đều tiếp tục chịu lỗ nặng trong quý vừa qua do những biến động khó lường của thị trường và do các vấn đề kinh tế vĩ mô khác.
Theo ước tính, cả 2 tập đoàn tài chính khổng lồ này đã lỗ khoảng 8,5 tỷ USD, buộc tập đoàn cho vay thế chấp hàng đầu của Mỹ Freddie Mac phải đệ đơn xin chính phủ hỗ trợ thêm 6 tỷ USD để bù lỗ trong tương lai.
6. Bồ Đào Nha ngày càng lún sâu vào cảnh nợ nần
Quốc gia này đang hi vọng sẽ được đàm phán lại về các điều khoản liên quan tới gói cứu trợ trị giá 107,5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tụt dốc không phanh của Bồ Đào Nha khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.
Để giải quyết triệt để tình trạng nợ nần chồng chất này, chính phủ Bồ Đào Nha dự định sẽ áp đặt mức thuế mới, cao hơn hiện tại. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ còn tăng thêm 13,4% vào năm 2012 tới, thật khó để có thể áp dụng chính sách này.
7. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ khởi sắc
Hệ thống giao thông đường sắt ở Mỹ đang được cải thiện đáng kể nên trong tháng vừa qua, chúng đã mang lại khoản lợi nhuận lớn nhất kể từ tháng 10/2008 tới nay. Điều này cũng thúc đẩy sự hồi sinh trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Nguồn tin: (VTC News)