7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
Quỹ chống khủng hoảng trị giá 1.000 tỷ USD được thành lập không làm vơi bớt nỗi lo của nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Giá dầu giảm mạnh trong khi vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử.
|
Một quỹ chống khủng hoảng với quy mô kỷ lục 750 tỷ euro (tương đương 1.000 tỷ USD) đã được lãnh đạo các quốc gia châu Âu thống nhất thành lập sau phiên họp tại Brussels (Bỉ) trong ngày 10/5. Theo thỏa thuận, các quốc gia trong khối EU sẽ đóng góp 500 triệu USD cho quỹ này trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế chịu trách nhiệm về phần còn lại. Mục tiêu chính của quỹ này là đối phó với cuộc khủng hoảng nợ, đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Âu. Ảnh: AFP |
|
Bất chấp những nỗ lực chống khủng hoảng, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính vẫn dao động mạnh. Vốn được rót mạnh vào các kênh đầu tư an toàn, khiến giá vàng tăng chóng mặt trong ngày 12/5, lập nên kỷ lục của mọi thời đại: 1.248,82 USD đổi một ounce vàng. Kỷ lục này một lần nữa được lặp lại vào ngày 14/5. Ảnh: AFP |
|
Trong khi giá vàng tăng vọt thì dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, cũng trong ngày 14/5. Trên sàn giao dịch hàng hóa tập trung NYMEX, giá dầu ngọt nhẹ giao kỳ hạn tháng 6 trượt 2,79 đôla, xuống 71,61 đôla mỗi thùng. Tính từ mức đỉnh cao nhất trong năm 2010 được thiết lập hôm 3/5 tại 87,15 đôla, giá vàng đen đã điều chỉnh 18%. Ảnh: AFP |
|
Ngày 12/5, Cục Thống kê Trung Quốc vừa cho biết tốc độ tăng CPI của toàn nền kinh tế là 2,8%. Mức tăng giá bất động sản thậm chí còn lên tới 12,8%. Nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát tăng tốc, theo đánh giá của giới phân tích, là do tín dụng và giá thực phẩm đồng loạt tăng cao. Với kết quả này, các chuyên gia cũng cho rằng khả năng Chính phủ Trung Quốc phải nâng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới là rất cao. Ảnh: AFP |
|
Ngày 13/5, Tổng chưởng lý bang New York Andrew Cuomo đã yêu cầu 8 ngân hàng và 3 “đại gia” trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm là Standard&Poor’s, Moody’s và Fitch giải trình xung quanh nghi án thao túng xếp hạng các chứng khoán phái sinh. 8 ngân hàng bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS, Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, Credit Agricole và Merrill Lynch (nay thuộc Bank of America) bị nghi đã tác động đến xếp hạng tín nhiệm của các chứng khoán phái sinh do họ đang nắm giữ nhằm kiếm lời. Vụ việc này tiếp tục đánh mạnh vào uy tín của Phố Wall trên thị trường tài chính. Ảnh: Libn |
|
Trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ, diễn ra trong ngày 12/5, Ủy ban Chứng khoán (SEC) đã phủ nhận việc tin tặc hoặc khủng bố tấn công các thị trường chứng khoán, khiến chỉ số Dow Jones sụt gần 1.000 điểm chỉ trong vòng 27 phút của phiên giao dịch ngày 6/5. Theo những thông tin mới nhất từ SEC, sự cố này có thể bắt nguồn từ một nhà đầu tư đã bán tháo một lượng chứng khoán tương đương 9% toàn bộ khối lượng giao dịch của một hợp đồng phái sinh chỉ số có tên “500 e-mini futures contract”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn chưa tiết lộ danh tính nhà đầu tư này. Ảnh: AFP |
|
Tuy chưa chính thức tìm ra nguyên nhân sự cố nhưng để ngăn chặn sự kiện Ngày thứ năm kinh hoàng có thể lặp lại, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) và 6 sàn giao dịch lớn đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc áp dụng một hệ thống có tên “circuit breakers” để chặn giao dịch khi có sự cố xảy ra. SEC cũng đang nghiên cứu nhằm tạo ra cơ chế hãm giao dịch đối với từng cổ phiếu riêng lẻ cũng như lập ra quy tắc cho những giao dịch cần được hủy khi biến động quá mạnh. Các biện pháp này dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian ngắn sắp tới. Ảnh: AFP |
Vnexpress