Sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh đã góp phần tạo nên tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế trong năm 2016 vừa qua.
Kinh tế Việt Nam năm 2016 được nhận định khá “đặc biệt”. Đặc biệt khi kinh tế Việt Nam phải chịu những tác động từ các yếu tố kinh tế chính trị ở khu vực và thế giới.
Trên thế giới kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; vấn đề Brexit; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
Trong nước sự thay đổi cũng chịu tác động lớn từ biến đổi thời tiết và những tác động từ môi trường như hạn hán ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn chưa từng có tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng những tồn tại nền kinh tế.
Những sự kiện kinh tế nổi bất năm 2016 mang đậm dấu ấn chỉ đạo điều hành của Chính phủ - ảnh nguồn Chinhphu.vn |
Tuy nhiên dưới sự điều hành chính phủ mới với hàng loạt các động thái lắng nghe, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nên tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế.
Cùng nhìn lại 9 sự kiện kinh tế nổi bật của năm qua với dấu ấn rõ nét điều hành của Chính phủ.
1. Năm quốc gia khởi nghiệp
“Khởi nghiệp” đã trở thành từ khoá của năm 2016. Theo đó, thông điệp, mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ những phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới được kiện toàn hồi tháng 5 năm nay.
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp không”, Thủ tướng cho biết.
Theo đó, trong năm 2016, Nhà nước cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các startup. Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và thành công.
Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện để startup có thể tiếp cận nguồn tín dụng, có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Mặt khác, các chính sách cũng đang hướng tới việc thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần”; Xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin khởi nghiệp.
2.Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt
Chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy Chính phủ mới với hàng loạt các động thái lắng nghe, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Nhờ đó môi trường kinh doanh Việt Nam được nâng lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Môi trường kinh doanh được cải thiện góp phần tăng số lượng doanh nghiệp - ảnh Doanh nhân Sài Gòn |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2016, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia về mức độ dễ dàng kinh doanh, tăng 9 bậc so với năm ngoái.
Các tiêu chí mà WB đánh giá gồm: thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Năm nay, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế và giao thương quốc tế. Trong đó, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có sự cải thiện thứ hạng lớn nhất.
Trong những năm vừa qua, xếp hạng của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ đứng 99/183 thì đến năm 2014 đã xếp 93/189 nước.
Đến năm 2015, thứ hạn này tiếp tục được cải thiện lên thứ 91 và tiếp tục tăng 9 bậc lên 82 vào năm nay.
Nhờ vào đó, trong 11 tháng, cả nước đã có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động vào thời điểm cuối tháng 11 lên cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
3. Điểm sáng đời sống kinh tế xã hội
Kinh tế Việt Nam đã có năm khởi động kế hoạch 2016-2020 không thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,21%, so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ 6,5-7%.
Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng là sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường và giá cả hàng hóa trên thế giới…
Những yếu tố này cũng khiến xuất khẩu toàn nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng 10%.
Đời sống nhân dân được cải thiện - ảnh nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội |
Tuy vậy, đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng khi Chính phủ hoàn thành 11/13 chỉ tiêu Quốc hội giao như: giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện nghèo; nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó là việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được thực hiện theo lộ trình đề ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng.
4. Buộc Formosa phải bồi thường và xin lỗi
Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lan ra suốt một dải 200 km bờ biển miền Trung.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng.
Hơn hai tháng cả hệ thống chính trị vào cuộc truy tìm nguyên nhân, thủ phạm được chỉ ra là chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển.
Lãnh đạo công ty này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.
Chính phủ cũng tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý các nguồn ô nhiễm biển, hỗ trợ dân khôi phục sinh kế.
5. Không phụ thuộc vào TPP
Ngày 4/2, tại Auckland, New Zealand, bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Việt Nam đặt bút ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn hội nhập với kinh tế quốc tế - ảnh minh họa (chưa rõ nguồn) |
Với việc sẽ gia nhập vào TPP Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Theo tính toán, TPP sẽ giúp cho GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã khiến những nỗ lực tham gia vào TPP của Việt Nam có thể bị đổ bể.
Rút khỏi TPP được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 6 “sắc lệnh” đầu tiên mà tân Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành ngay sau ngày làm việc tại Nhà trắng 20/1/2017.
Tuy nhiên quan điểm của Chính phủ có TPP hay không thì Việt Nam vẫn hội nhập với kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
6. Rút vốn nhà nước của các “ông lớn”
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2016 là sự rút lui của Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Trong đó, thương vụ đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng và cũng ngậm ngùi thất vọng.
Kết quả cuộc đấu giá thành công ngày 12/12 cho thấy, chỉ có 60% cổ phần chào bán đã được mua với mức giá 144.000 đồng/cổ phần.
Cụ thể, số lượng cổ phần chào bán thành công là 78.378.300 cổ phần, tương ứng 5,4% vốn điều lệ VNM trong tổng lô chào bán 9% của SCIC.
Như vậy, tổng giá trị cổ phần bán ra khoảng 11.386 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD.
Chính phủ thoái vốn mạnh mẽ tại các doanh nghiệp - ảnh nguồn Vinamilk. |
Vinamilk chỉ là một trong số 10 “ông lớn” được Chính phủ quyết định thoái hoàn toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kế hoạch này được đặt ra từ cuối năm 2015 song đến nay, những doanh nghiệp còn lại vẫn đang trong quá trình chuẩn bị.
Dù vậy, nỗ lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành năm qua cũng đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng.
Nếu tính cả phần vốn thu về từ cuộc đấu giá cổ phần Vinamilk thì tổng số tiền Nhà nước nhận được là hơn 18.200 tỷ đồng.
Về cổ phần hóa, năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Việc nhà nước thoái vốn mạnh mẽ tại doanh nghiệp xuất phát từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa.
Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.
7. Ứng phó biến đổi khí hậu
Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan ở Việt Nam, không chỉ khiến 235 người chết trong năm 2016 mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính tổng thiệt hại toàn ngành do thiên tai trong năm vừa qua lên đến 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) - đây là con số cao nhất từ trước tới nay.
Những tháng đầu năm, nhiều vùng miền đã trải qua nạn hạn hán khốc liệt nhất từ trước tới nay.
Hậu quả là ở vùng ĐBSCL có 11/13 tỉnh bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với 405.000 ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn quả, 82.000 ha diện tích tôm nuôi bị mất trắng... Khu vực Tây Nguyên cũng đã có 157.000 ha đất nông nghiệp bị hạn.
Biến đổi khí hậu gây hạn hán tại Nam Trung Bộ - Ảnh minh họa. (Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN) |
Ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hạn hán cũng đã khiến 40.500 ha lúa phải dừng sản xuất, 36.000 ha cây trồng khác bị hạn... Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2016, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, gây ra lũ chồng lũ ở nhiều tỉnh.
Tính riêng 5 đợt này, đã khiến 111 người chết và mất tích, hơn 316.000 ngôi nhà, hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập hư hại.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày 26/4/2016, Chính phủ công bố Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Chính phủ và Liên hợp quốc cần 48,5 triệu USD. Trong năm đã huy động được 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% kế hoạch ứng phó khẩn cấp, trong đó nguồn lực quốc tế huy động được 18,4 triệu USD.
8. Không dùng ngân sách cứu dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu
Tại Kỳ họp thứ 2 (11/2016), Bộ trưởng Bộ Công thương đã phải giải trình trước QH về 5 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và dự án Nhà máy đạm Ninh Bình.
Sau đó ít lâu, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét bổ sung 7 dự án khác cũng đang rơi vào tình trạng thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tương tự. Đó là các dự án Đạm Hà Bắc; Đạm DAP 1 Lào Cai; DAP 2 Hải Phòng; Ethanol Bình Phước; Ethanol Phú Thọ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được đề cập nhiều lần tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. ảnh nguồn vtcnews. |
Năm qua lần đầu tiên những dự án, nhà máy thua lỗ yếu kém được “chỉ mặt đặt tên” với quyết tâm của Chính phủ trên tinh thần xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, yếu kém một cách quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.
Chính phủ cũng khẳng định dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản... theo quy định của pháp luật.
Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này.
Nguồn tin: GDVN