Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, đã có gần 630 nghìn tấn thép cuộn cán nguội nhập khẩu vào nước ta, với giá trị kim ngạch nhập khẩu hơn 300 triệu USD.
Theo thống kê của VSA, thép nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nga, các nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a vài tháng gần đây đang có xu hướng tăng mạnh. Hiện giá thép nhập khẩu rẻ hơn thép sản xuất trong nước từ 500 đến 700 nghìn đồng/tấn. Thép nhập khẩu với số lượng lớn đã gây ảnh hưởng đến sản phẩm sản xuất trong nước, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Ðể bảo vệ thép cuộn cán nguội trong nước, VSA đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan đề xuất một số biện pháp ngăn chặn "làn sóng" thép cuộn nhập khẩu như ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về thép cuộn cán nguội, quản lý để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng và phi tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh với loại thép cuộn cán nguội khổ rộng của các công ty sản xuất trong nước. Ðồng thời, rà soát lại các công ty nhập khẩu và ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập khẩu ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, không để các công ty lợi dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng nhập khẩu các chủng loại thép trong nước đã sản xuất được, trong đó có thép cuộn cán nguội. Việc cấp giấy phép nhập khẩu đang được xem xét và kiến nghị áp dụng. Theo đó, các nhà nhập khẩu phải có kế hoạch mua hàng theo quý hoặc năm và trình cho cơ quan có thẩm quyền, xin giấy phép trước 90 ngày, kê khai chủng loại, giá nhập, giá bán,... Các công ty sản xuất thép cán nguội cũng được hướng dẫn thu thập số liệu, chứng cứ để tiến hành các biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ mình.
Như vậy, mỗi khi đối diện cạnh tranh, thay vì điều chỉnh giá thành, các DN thường xin bảo hộ bằng thuế hoặc các biện pháp phi thuế khác. Trong năm 2010, cùng với việc giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO, chắc chắn cánh cửa mở ra với thép ngoại sẽ càng rộng hơn.
Trên thực tế, thép sản xuất trong nước đã tự làm khó chính mình khi liên tục xảy ra các "cơn sốt" giá, trong khi giá thép thế giới vẫn ở mức thấp. Giá quá cao khiến thị trường thép rơi vào cảnh ảm đạm ngay giữa mùa xây dựng. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn gây rối loạn thị trường, bởi phần lớn do đầu cơ. Ðã đến lúc, ngành thép phải tự nhìn lại bản thân, không thể lúc tăng giá thì hưởng, lúc khó lại đòi Nhà nước cứu. Ðiều chỉnh giá bán hợp lý, ổn định thị trường là điều các DN sản xuất thép trong nước phải thực hiện.
(Điện Tử)