Các nước đang phát triển tại châu Á đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới nếu can thiệp quá sâu vào thị trường ngoại tệ. Đó là cảnh báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong một bản báo cáo thường niên về khu vực được công bố vào ngày 13/4. Theo bản báo cáo trên, ADB dự đoán, tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á sẽ đạt 7,5% trong năm 2010, và giảm nhẹ xuống còn 7,3% trong năm 2011 khi mà các nước đã bắt đầu cắt giảm các chính sách tiền tệ và tài khoá đặc biệt để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự hồi phục kinh tế nhanh và mạnh của châu Á đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi vì các nước trong khu vực đã can thiệp mạnh vào các thị trường tiền tệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu trong nước.
Báo cáo cho rằng, tốc độ và quy mô phục hồi tại các nước châu Á, cộng với tỷ giá hối đoái thấp đã khiến cho nhiều dòng vốn lớn đổ về các nước trong ngắn hạn. “Chính sự can thiệp mạnh mẽ, cộng với lượng tiền mặt quá dư thừa đã làm cho tỷ giá hối đoái thực bị nâng lên và nền kinh tế sẽ trở nên quá nóng. Đặc biệt, sự đảo lộn bất chợt các dòng vốn trong ngắn hạn (là kết quả của sự can thiệp này) sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định tài chính và kinh tế, đồng thời tạo ra khủng hoảng tài chính và tiền tệ”.
Cũng theo báo cáo của ADB, một số đồng tiền khác của châu Á lại bị ghìm thấp hơn so với đồng đôla. Điều này cũng cho thấy nhiều nước đã can thiệp mạnh mẽ vào các thị trường ngoại hối trong một giai đoạn khá dài.
ADB cho rằng, đồng nội tệ của Trung Quốc, Hồng Công, Malaysia, Đài Loan và Singapore bị ghìm giá thấp hơn 20% so với đồng đôla, còn đồng nội tệ của Philippines và Thái Lan thấp hơn 10%. Chỉ có tiền tệ của Indonesia, Hàn Quốc và Ấn Độ là được đánh giá “cao hơn một chút” so với đồng đôla. “Rõ ràng hầu hết các đồng tiền của châu Á vẫn bị can thiệp nặng nề, hoặc là so với đồng đôla, hoặc là so với các đồng tiền với nhau. Sự can thiệp này không chỉ xuất hiện trong giai đoạn khủng hoảng”.
ADB kêu gọi ngân hàng trung ương các nước nên điểu chỉnh tỷ giá hối đoái ở mức “cân bằng”, mức mà nền kinh tế có thể vận hành một cách đầy đủ với mức lạm phát thấp và cán cân thanh toán bền vững, nhằm giảm nguy cơ thay đổi đột ngột các dòn vốn do sự can thiệp gây ra. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng giữa các ngân hàng trung ương trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Các nước cũng nên nhất trí điều chỉnh dần tỷ giá hối đoái để tiến tới một trạng thái cân bằng, đồng thời giải quyết sự bất cân đối kinh tế toàn cầu giữa các nước thặng dư và thâm hụt thương mại trong một giai đoạn dài.
Báo cáo cũng trích dẫn một phân tích cho rằng, nếu đồng NDT tăng 10% cũng chỉ làm xuất khẩu của Trung Quốc tăng chưa đến 4%. Nhưng nếu đồng nội tệ của tất cả các nước Đông Nam Á tăng 10% sẽ làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc tới 10%.
Ngoài ra, ADB cũng yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp cải cách, trong đó có việc điều phối chặt chẽ hơn giữa chính sách tiền tệ và tài chính, nhằm ngăn chặn tình trạng bong bóng tài sản, đồng thời rỡ bỏ những trở ngại về cơ cấu để kích cầu trong nước.
Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế tại châu Á đang giành được động lực, các nhà hoạch định chính sách cần có chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ các kế hoạch dài hạn hơn, nhằm củng cố tính bền vững của sự hồi phục kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.
FT