Sáng ngày 10/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo ra mắt Báo cáo triển vọng Việt Nam và châu Á 2017, với chủ đề “Vượt qua thách thức thu nhập trung bình”.
Cuộc họp báo có sự tham gia của ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB Việt Nam và ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia ADB.
Tại sự kiện, ông Eric Sidgwick nhiều lần nhấn mạnh rằng ông lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 năm 2017-2018. ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng, du lịch.
Theo báo cáo, trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giải ngân trong quý I năm nay đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2017 và 6,7% năm 2018
Nhắc lại tình hình kinh tế năm 2016, trong khi nông nghiệp tăng trưởng yếu (1,4%) do đang phải phục hồi sau hạn hán, khai thác khoáng sản giảm xuống 4% thì sản xuất vẫn ổn định (tăng 11,9%) và dịch vụ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt ngành tài chính ngân hàng tăng 7,8%, ngành du lịch tăng 6,7% nhờ vào mức tăng cao (26%) trong số lượng khách đến nước ta trong năm 2016.
Các chuyên gia ADB cũng cho rằng cải cách nông nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng. Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết ít biến động hơn. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế, làm giảm đà tăng trưởng chung.
Ông Sidgwick nhận định người nông dân cần thay đổi nhận thức, không chỉ tập trung vào cây lúa mà cả những sản phẩm lương thực có giá trị cao thị trường đang cần. Ngoài ra, Chính phủ cần phải có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách, nhằm giúp ngành nông nghiệp thích nghi với vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách nâng cao công nghệ và có kế hoạch sử dụng năng lượng hợp lý, giảm sự phụ thuộc vào than và tăng việc dùng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Nguồn tin: NDH