Ngày 29/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2010, đồng thời nhấn mạnh đà hồi phục trong hoạt động xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh.
ABD dự báo kinh tế châu Á - gồm 44 nền kinh tế đang phát triển và công nghiệp mới, ngoại trừ Nhật Bản - sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 8,2% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 7,5% được đưa ra hồi 4/2010. ABD nhấn mạnh: "Về tổng thể, sức phục hồi kinh tế của châu Á đang tiến triển tích cực và ổn định, với tiêu dùng và kinh doanh tăng nhanh do chính sách kích thích kinh tế của các chính phủ đã hạn chế được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua".
Dự báo đối với các nền kinh tế đơn lẻ, ADB cho biết tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 9,6%. Trong khi đó, kinh tế của đặc khu hành chính Hongkong, trung tâm dịch vụ và tài chính của Trung Quốc, sẽ phục hồi và đạt mức 5,8% năm nay. Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng sẽ tăng lần lượt ở mức 6% và 7,7%.
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vào khoảng 8,2-8,5% năm 2010 dù ADB cảnh báo lạm phát sẽ gia tăng tại quốc gia Nam Á này, do mùa màng thất bát trong năm 2009. Kinh tế Philippine được kỳ vọng sẽ tăng lên 6,2%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,8% được đưa ra trước đó.
Singapore sẽ tăng lên 14%, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo trước đó 6,3%, trong khi triển vọng kinh tế Thái Lan sẽ được cải thiện đáng kể, với dự báo tăng trưởng được ADB điều chỉnh tăng từ 4% lên 7% năm nay.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo khả năng suy yếu của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, liên quan tới suy giảm của thị trường nhà ở tại Mỹ và rủi ro từ các khoản vay nước ngoài tại châu Âu, sẽ ảnh hưởng tới sức hồi phục kinh tế toàn cầu.
ADB cho biết tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục cao trong nửa cuối năm 2001, sau khi đạt mức 11,1% trong nửa đầu năm. Tỷ trọng xuất khẩu được cho là sẽ thấp hơn, do nhu cầu tại một số thị trường ngày càng giảm rõ rệt.
Kinh tế Hàn Quốc đã được hỗ trợ nhờ lĩnh vực xuất khẩu ô tô và sản phẩm bán dẫn tăng trong nửa đầu năm 2010. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong nửa cuối năm nay đã được điều chỉnh giảm, do hoạt động chi tiêu tài chính giảm nhẹ.
Trong khi đó, đà hồi phục của kinh tế Đài Loan, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu điện tử trong nửa đầu năm, sẽ có xu hướng đi xuống trong nửa cuối năm nay, do nhu cầu từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của vùng lãnh thổ này - sẽ giảm tương đối.
Đáng chú ý nhất là mức tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Singapore trong nửa đầu năm và triển vọng năm 2010 là rất tích cực. Tăng trưởng của quốc đảo này có được là nhờ nhu cầu các mặt hàng như chất hoá học, điện tử và dược phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dịch vụ như du lịch và tài chính cũng đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP của Singapore.
Nguồn: Sky News