Hôm 13/04, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á năm 2010. Theo dự đoán của ngân hàng, kinh tế Châu Á năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% với sự "phục hồi mạnh mẽ" của các nền kinh tế trong khu vực.ADB cho biết, trong năm 2009, tăng trưởng kinh tế toàn khu vực đạt 5,2%. Trong năm nay, con số này sẽ đạt khoảng 7,5% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế sau khủng hoảng toàn cầu. Ước đoán, mức tăng trưởng cho năm 2011 sẽ giảm nhẹ xuống còn 7,3%. Mặc dù tỏ ra khá tự tin nhưng những con số mà ADB đưa ra vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng kỷ lục 9,6% mà Châu Á đã đạt được hồi năm 2007.
Trưởng ban kinh tế của ADB, ông Jong-Wha Lee cho hay: "Khả năng phục hồi kinh tế khu vực Châu Á được duy trì và trở nên mạnh hơn, ổn định hơn là hoàn toàn nằm trong tầm tay, một khi khu vực vượt qua được những thử thách về vấn đề tăng cường nhu cầu tiêu dùng nội địa."
Viễn cảnh kinh tế Châu Á cũng được cải thiện sau khi các quốc gia trong khu vực đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt dự báo vào nửa cuối năm 2009, đi đầu là sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ.
ADB khẳng định: "Châu Á hoàn toàn có thể trông đợi một sự phục hồi mạnh mẽ trong vòng hai năm tới."
Theo nhận định của ADB, các biện pháp kích thích kinh tế được chính phủ nhiều nước trong khu vực đưa ra để hỗ trợ kinh tế trong nước trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua sẽ được tiếp tục duy trì nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường thu nhập và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, qua đó kích thích nhu cầu chi tiêu trong nước. Cũng theo đánh giá của ADB, chi tiêu dành cho các chương trình kích thích này dự đoán có thể sẽ làm lạm phát khu vực tăng từ mức 1,5% của năm 2009 lên khoảng 4% trong năm nay và năm sau.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Châu Á có thể sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra chậm chạp hoặc sự rút lui các chương trình kích thích tài chính diễn ra không đúng thời điểm. Việc giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường giao dịch thế giới cũng như giá cả các mặt hàng thực phẩm gia tăng cũng là một yếu tố tác động xấu tới phục hồi kinh tế khu vực.
Báo cáo của ADB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách chính phủ nên chú trọng tới tình hình kinh tế trong nước với việc "áp dụng trở lại các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách đúng lúc", nhờ đó, chính phủ có thể áp dụng chúng thật thích hợp "ngay khi khủng hoảng suy giảm và phục hồi kinh tế dần xuất hiện."
ADB cho biết, việc nới lỏng chính sách tỷ giá hối đoái có thể giúp củng cố thương mại trong khu vực. Bên cạnh đó, chính phủ các nước Châu Á cũng nên có sự hợp tác trong các vấn đề chính sách tài khóa, tiền tệ và tỷ giá hối đoái nhằm tránh việc bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính trong nội bộ khu vực.
Theo dự đoán của ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á, bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, sẽ đạt mức cao nhất trong khu vực với mức tăng trưởng GDP tăng từ 5,9% trong năm 2009 lên 8,3% trong năm 2010.
Tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á tăng 1,2% so với năm 2009 lên 5,1% trong năm 2010. Xuất khẩu các nước Thái Lan, Campuchia và Malaysia sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Kinh tế Ấn Độ sẽ dẫn dầu tăng trưởng khu vực Nam Á với mức tăng trưởng năm 2010 là 7,4%.
Tăng trưởng khu vực Trung Á, trong đó bao gồm Kazakhstan và Georgia đạt 4,7%.
Tăng trưởng kinh tế của các đảo quốc Châu Á nằm trong khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Fiji và Papua New Guinea sẽ tăng từ 2,3% trong năm 2009 lên 3,7% trong năm nay.
AFP