Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ai sẽ cứu nền kinh tế khu vực và thế giới?

Những biến động bất thường trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, vàng, dầu… thế giới trong tuần qua không những làm nhà đầu tư "quay như chong chóng", mà còn khiến nhiều nước trên thế giới phải khẩn cấp đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, cũng như bảo tồn số tài sản của quốc gia mình. Dự kiến trong tuần tới, các thị trường kể trên có thể phải đối mặt với những tác động không mấy tích cực.
 

Khẩn trương đưa ra những giải pháp cứu nguy

Tổng thống Barack Obama muốn thay đổi cơ cấu của Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm cứu vãn nền kinh tế Mỹ sau khi hãng Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín dụng từ AAA xuống còn AA+ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có 2 người được cử vào Hội đồng Dự trữ Liên bang, đó là ông Richard Clarida, Phó Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới Pimco và ông Jeremy Stein, nhà kinh tế tại Trường Đại học Harvard chuyên về lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nếu được Thượng viện phê duyệt, Tổng thống Barack Obama sẽ bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm đối với 6 trong số 7 thành viên Hội đồng Dự trữ Liên bang tại Washington, bao gồm cả Chủ tịch Ben Bernanke. Việc này diễn ra sau khi FED tuyên bố tiếp tục duy trì mức lãi suất siêu thấp từ 0% đến 0,25% trong vòng ít nhất 2 năm. Điều đáng nói là các kỳ phiếu ngắn hạn (khoảng 72 tỷ USD) mà Chính phủ Mỹ đem ra đấu giá trong tuần này đều có tỷ lệ lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, tiết kiệm cho người dân Mỹ một khoản lãi suất lên tới gần 650 triệu USD.

Ngày 12/8, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã thông qua kế hoạch đối phó với tác động của sự bất ổn trên thị trường tài chính châu Âu và Mỹ, trong đó có việc lập quỹ dự trữ đối phó khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết, quỹ đối phó khủng khoảng là sự mở rộng của Quỹ dự trữ Mỹ Latinh (FLAR) nhằm trợ giúp tài chính cho các nước thành viên.

Cũng trong ngày 12/8, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận thông qua gói cứu trợ thứ 2 trị giá 16,4 tỷ USD cho Bồ Đào Nha với Ủy ban châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Trước đó, Bồ Đào Nha đã nhận được 19,8 tỷ euro trong gói cứu trợ tài chính trị giá 78 tỷ euro được thông qua hồi tháng 5/2011. ASEAN và Trung Quốc cũng đạt được nhất trí trong việc sử dụng đồng NDT và các đồng tiền khác trong khu vực cho hoạt động giao thương, không cần đến USD. Để giữ ổn định thị trường và tránh bán tháo, EU đã áp lệnh cấm bán tháo cổ phiếu của 60 tổ chức tài chính trong ngắn hạn (15 ngày) đối với 4 quốc gia là Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Bỉ. Kể từ ngày 12-8, lệnh cấm bán khống chứng khoán của các công ty tài chính chính thức có hiệu lực tại 4 quốc gia kể trên.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin đã hoan nghênh lệnh cấm và khẳng định, các ngân hàng Pháp nằm trong nhóm các ngân hàng an toàn nhất thế giới và giới đầu tư chờ đợi các biện pháp mạnh mà Pháp và Đức đưa ra trong những tuần tới sau cuộc họp giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Angela Merkel dự kiến diễn ra vào ngày 16/8. Tuy nhiên, Cơ quan thống kê INSEE của Pháp vừa cho biết, GDP trong quý 2 của nước này tăng 0% so với quý 1 năm 2011 và chi tiêu của hộ gia đình giảm 0,7% trong quý 2, ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực đồng euro.

Pháp là nước đóng góp lớn thứ hai, sau Đức vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu. Tổng thống Nicolas Sarkozy đã rút ngắn kỳ nghỉ để trở về tham dự cuộc họp khẩn của Chính phủ nhằm bàn các biện pháp cắt giảm nợ, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngân sách phải đưa ra các biện pháp (trong vòng một tuần) để giữ cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ sẽ đưa ra quyết định đối với các biện pháp này vào ngày 24/8. Bộ trưởng Ngân sách Valerie Pecresse khẳng định, Pháp sẽ giữ được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7,1% GDP năm 2010 xuống 4,6% GDP năm 2011 và 3% GDP năm 2012.

Cũng trong ngày 12/8, nội các Italia đã thông qua chương trình cắt giảm chi tiêu trị giá 64 tỷ USD trong vòng 2 năm tới nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ. Trước đó (11-8), Italia đã công bố các biện pháp tăng thuế đánh vào các tài khoản đầu tư và giảm phúc lợi như một biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti cho biết, Italia cần thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mạnh mẽ để giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3,8% GDP năm 2011, xuống còn 1,5-1,7% GDP năm 2012 và đạt cân bằng ngân sách vào năm 2013. Quốc hội Italia cũng đang thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp nhằm giúp chính phủ đáp ứng thời hạn về cân bằng ngân sách.

 

Sự thất thần của các nhà đầu tư và môi giới.

 

Hoang mang, mất phương hướng?

Tuy nhiên, trong tuần này cũng xuất hiện một sự kiện gây bất ổn nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ. Giới đầu tư tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu sau khi mức tín nhiệm của Mỹ giảm từ AAA xuống AA+ và thị trường tiền tệ đã thu hút được 49,8 tỷ USD chỉ trong một tuần.

Ngân hàng Bank of New York Mellon của Mỹ tuyên bố bắt đầu tăng phí đối với những khoản tiền gửi lớn sau khi dòng tiền gửi đổ vào ngân hàng này tăng vọt. Các nhà phân tích của Citigroup cũng cho biết, kể từ đầu tháng 8 đến nay, lượng vốn đầu tư rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu tại các nước đang phát triển lên tới 7,7 tỷ USD, nâng tổng dòng tiền thoái lui trong năm nay lên tới 14 tỷ USD. Thị trường cổ phiếu thế giới đã mất gần 7.000 tỷ USD kể từ ngày 26/7. Việc các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường tiền tệ là dấu hiệu cho thấy sự bất an và mất niềm tin đối với kênh đầu tư chứng khoán truyền thống, đồng thời cho thấy tác động không nhỏ từ các bất ổn kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định, lệnh cấm bán khống chứng khoán của châu Âu tương tự như lệnh cấm mà Ủy ban Ngoại hối và Chứng khoán Mỹ đưa ra hôm 19/9/2008 (chỉ 4 ngày sau khi Ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ) tạm thời cấm bán khống chứng khoán của 799 ngân hàng và các tổ chức tài chính để bảo vệ sự toàn vẹn và chất lượng của các thị trường chứng khoán cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Anh cũng đã áp dụng lệnh cấm bán khống chứng khoán trong thời kỳ đó. Những động thái kể trên nằm trong nỗ lực chung nhằm lấy lại niềm tin của thị trường đã bị đổ vỡ bởi các đồn đoán về mức độ khủng hoảng tài chính và chi phí vay mượn tăng cao. Thị trường châu Âu liên tục biến động trước tin đồn về thực trạng của nền kinh tế và nhu cầu tài trợ của các nước khu vực Eurozone khiến chứng khoán tụt dốc thảm hại.

Trước những biến động xấu của kinh tế thế giới hiện nay, hệ thống tài chính thế giới bấp bênh và giá vàng tăng vọt, những người giàu có trên thế giới đang có xu hướng chuyển sang tích trữ vàng và nơi họ chọn để gửi gắm tài sản này là Thụy Sĩ. Và dịch vụ cất giữ vàng ăn nên làm ra tại Thụy Sĩ.

Nhu cầu tích trữ vàng tăng cũng khiến các kho chứa vàng ở London, Anh chật cứng và phí lưu giữ vàng vì thế cũng tăng vọt. Các tổ chức có nghiệp vụ giao dịch vàng như Barclays Capital, Deutsche Bank và UBS đã cho thuê kho chứa vàng. Giá vàng giảm mạnh xuống sát 1.750 USD/oz hôm 12/8 sau khi lập đỉnh 1.817,60 USD/oz hôm 11/8.

Giới quan sát cảnh báo, động thái của Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, quốc gia sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (gần 3.200 tỉ USD) đối với thị trường vàng sẽ tạo nên những "đợt sóng" khó kiểm soát.

Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ), nhưng lại là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Nhu cầu đầu tư vàng của Trung Quốc tăng vọt trong 2 năm qua: tăng 70% trong năm 2010 và tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2011 (233 tấn vàng) và nhu cầu này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Tuy nhiên, tổng lượng vàng dự trữ của Trung Quốc hiện mới hơn 1.000 tấn, chưa bằng 2% tổng dự trữ ngoại tệ của nước này.

Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc nới lỏng kiểm soát đối với đồng NDT không những giúp Bắc Kinh kiềm chế lạm phát trong nước, mà còn giúp phần còn lại của thế giới khuyến khích nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu. Theo thống kê, từ đầu tháng 8 đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm tổng cộng 70 tỷ NDT (khoảng 10,95 tỷ USD) vào thị trường liên ngân hàng và động thái này giúp ổn định thị trường khi niềm tin trên thế giới đang bị ảnh hưởng. Đồng NDT đã lên mức cao nhất trong 17 năm qua khi tỷ giá xuống dưới 6,4 NDT/USD.

 

Sự chuyển đổi của đồng USD, NDT và euro.

 

Những hệ lụy khác nhau

Dư luận rất quan tâm tới lời kêu gọi của Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler trong việc thành lập Hội đồng ổn định khu vực sử dụng đồng euro để trừng phạt những quốc gia thành viên Eurozone vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ được quy định trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của EU.

Theo ông Philipp Roesler, Eurozone cần một hiệp ước mới nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho đồng tiền chung châu Âu, bao gồm biện pháp kiềm chế nợ theo mô hình của Đức. Đức cũng vừa cho biết, tỉ lệ lạm phát trong tháng 7 đã lên tới 2,4% và đây là lần thứ hai trong năm, tỉ lệ lạm phát của Đức đạt mức này - mức cao nhất kể từ đầu năm 2011.

Lời kêu gọi kể trên được đưa ra trùng với thời điểm Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, nợ quốc gia của nước này, bao gồm cả trái phiếu chính phủ, các khoản vay và các hoá đơn tài chính đã đạt mức kỷ lục 943.800 tỷ yên (khoảng 12.418 tỷ USD) vào cuối tháng 6, tăng 19.450 tỷ yên so với cuối tháng 3. Hiện nợ công của Nhật Bản chiếm khoảng 225% GDP. Nhật Bản đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 xuống 0,5% và sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu ngân sách đến 2015. Ngày 10/8, Thủ tướng Naoto Kan cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu ngân sách hằng năm ở mức 71 nghìn tỷ yên (khoảng 927 tỷ USD) trong 3 năm nhằm duy trì tình hình tài chính chặt chẽ.

Tại cuộc họp báo hôm 10/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King cũng tuyên bố hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của xứ sở sương mù từ 1,8% xuống còn 1,5% trong năm nay. Ông Mervyn King cảnh báo, Anh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu và những lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ.

Cũng trong ngày 10/8, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và châu Âu có thể sẽ ảnh hưởng tới các nước ASEAN. Ông Surin Pitsuwan cho biết, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và những người đồng cấp của các bên đối tác đối thoại sẽ cùng trao đổi để tìm ra biện pháp nhằm chặn trước tác động của cuộc suy thoái kinh tế này đối với các nỗ lực cùng nhau xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Giới đầu tư nhận định, trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, 75% là các tài sản tính bằng USD, trong đó 11.598 tỷ là trái phiếu Mỹ. Điều đáng nói là mặc dù Trung Quốc đã và đang tìm những lựa chọn đầu tư khác ngoài USD, nhưng tới nay vẫn chưa có ngoại tệ nào có thể thay thế vai trò của đồng bạc xanh, kể cả yên Nhật và franc Thụy Sĩ.

Khi Mỹ có dấu hiệu vỡ nợ (giữa tháng 5), Trung Quốc đã mua thêm 7.300 tỷ USD công nợ Mỹ, nâng tổng mức nắm giữ trái phiếu Mỹ lên tới 11.598 tỷ USD. Việc Trung Quốc biết rõ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng một khi Mỹ vỡ nợ nhưng vẫn tiếp tục mua vào cho thấy Bắc Kinh tin tưởng vào khả năng chống đỡ của Washington. Những hậu quả kinh tế và chính trị của việc bán tháo USD sẽ khiến ngoại tệ này mất giá và lợi bất cập hại bởi Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, do đó Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ trước khi hạ thủ.

Nhiều nhà kinh tế nhận định, vì nợ công của Mỹ đã kịch trần nên Trung Quốc sẽ điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối. Giới kinh tế bình luận, một khi Mỹ vỡ nợ, Trung Quốc không những bị tổn thất về khối tài sản đang nắm giữ, mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới kinh tế nước này. Sự vỡ nợ của Mỹ sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt lĩnh vực như thương mại, đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

 

*Hiện cả thế giới có 13 nước được đánh giá AAA, trong đó 9 nước với triển vọng ổn định và 4 nước đối diện với nguy cơ hạ bậc. Đó là Australia: GDP/người: 39.699 USD, Canada: GDP/người: 39.057 USD, Đan Mạch: GDP/người: 36.449 USD, Đức: GDP/người: 36.033 USD, Hà Lan: GDP/người: 40.764 USD, Na Uy: GDP/người: 52.012 USD, Singapore: GDP/người: 56.521 USD, Thụy Điển: GDP/người: 38.031 USD, Thụy Sỹ: GDP/người: 41.663 USD, Áo: GDP/người: 39.634 USD, Phần Lan: GDP/ người:  34.585,453 USD, Pháp: GDP/người: 34.077,040 USD, Anh: GDP/người: 34.919,511 USD.

*Có một thực tế đáng quan tâm, trong khi Mỹ nỗ lực phục hồi kinh tế thì Trung Quốc đang phải giảm nhiệt tốc độ tăng trưởng kinh tế, Mỹ kêu gọi tích lũy nhiều hơn, tiêu dùng ít đi, còn Trung Quốc lại khuyến khích tiêu dùng tăng lên và tích lũy ít đi. Trung Quốc chỉ trích Mỹ về hội chứng "nghiện vay nợ" và Bắc Kinh đã tái khẳng định quan điểm, thế giới cần một hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu mới thay cho USD và kêu gọi thành lập một tổ chức giám sát độc lập đối với USD.

Nguồn tin: CAND

ĐỌC THÊM