Tisco còn dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua chủ trương phát hành lượng cổ phiếu tối đa tương ứng giá trị 2.000 tỷ để tăng vốn...
Công ty Cổ phần Giang thép Thái Nguyên - Tisco (mã chứng khoán TIS) vừa thông báo sẽ họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 29/6/2017. Theo đó, nội dung họp là để thông qua việc giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống 1.840 tỷ đồng do cổ đông là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước rút vốn 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tisco còn dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua chủ trương phát hành lượng cổ phiếu tối đa tương ứng giá trị 2.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.
Đây là động thái đáng chú ý, trong bối cảnh Bộ Công Thương đã có phương án xử lý đối với dự án mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên hơn 8.100 “đắp chiếu” gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Cụ thể, Bộ Công Thương dự tính có 3 phương án xem xét xử lý đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên bao gồm bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư và phương án 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Tisco.
Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco.
Trao đổi với VnEconomy mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang làm việc với các đơn vị thẩm định, sau khi có kết quả định giá mới có phương án chính xác để xử lý dự án ngàn tỷ đắp chiếu này.
Theo đó, có một số nhà đầu tư đã ngỏ lời mua, trong đó có Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng trả giá 1.500 tỷ đồng. Ông Hoài cho rằng dự án "không ế" như mọi người nghĩ.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư 8.104 tỷ đồng được Tisco thực hiện xây dựng năm 2008. Sau gần một thập kỷ xây dựng, hiện nhà máy đang "đắp chiếu", và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.
Theo Tisco, tính đến 30/9/2016, công ty đã rót khoảng 4.581 tỷ trong tổng số 8.104 tỷ đồng đầu tư vào dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Nhà máy ngừng hoạt động nhưng các chi phí hao mòn, duy tu, bảo dưỡng vẫn lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Dự án giai đoạn 2 trở thành gánh nặng cho Tisco khi chìm trong thua lỗ do chi phí tài chính lớn. Mãi cho tới cuối quý 3/2016, Tisco mới thoát lỗ luỹ kế và có lãi trở lại.
Nguồn tin: vnEconomy