Đầu tháng 8/2019, Ấn Độ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Sản lượng thép không gỉ của Việt Nam năm 2018 chỉ đạt hơn một nửa so với công suất. Ảnh: Nhã Chi
Trong đó, kiến nghị áp thuế chống trợ cấp với biên độ từ 0% - 11,96% với các nhà sản xuất/xuất khẩu ống thép của Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Việc áp thuế này tiếp tục gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước.
Không tồn tại trợ cấp!
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xác định, tồn tại trợ cấp mang lại lợi ích cho nhà sản xuất/xuất khẩu ống thép không gỉ của Việt Nam và Trung Quốc, trợ cấp này gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước Ấn Độ. Biên độ trợ cấp với các nhà sản xuất/xuất khẩu ống thép của Việt Nam là 0% - 11,96% (trong đó, 2 công ty có biên độ trợ cấp là 0%); của Trung Quốc là 21,74% - 29,88%.
Căn cứ kết luận này, DGTR kiến nghị áp thuế chống trợ cấp với mức biên độ như trên trong thời hạn 5 năm.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam tỏ ra băn khoăn trước kết luận của DGTR. Bởi lẽ, theo ông Nguyên, hiện Việt Nam đã tuyên bố là nền kinh tế thị trường. Việt Nam cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương là không có tài trợ hay hỗ trợ gì cho hoạt động sản xuất của các DN, nhưng lại có việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thì rất khó hiểu.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khẳng định, trên thực tế, ngành thép không được nhận bất cứ trợ cấp hay ưu đãi gì từ phía Nhà nước. Đến thời điểm này, VSA cũng chưa có được thông tin cụ thể về bằng chứng để Ấn Độ áp thuế chống trợ cấp với ống thép không gỉ của Việt Nam. Về phía Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ vấn đề này.
Xuất khẩu thép khó khăn hơn
Theo VSA, 7 tháng đầu năm 2019, sản xuất thép trong nước tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép. Tuy nhiên, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Tính chung, xuất khẩu thép các loại trong 7 tháng đạt 2,826 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với mặt hàng thép không gỉ, theo số liệu tổng hợp của VSA ngày 17/6/2019, sản xuất thép không gỉ của Việt Nam năm 2018 đạt 54% công suất hiện có. Trong giai đoạn 2016 - 2018, xuất khẩu thép không gỉ có tăng trưởng nhưng không lớn (năm 2016 là 124.000 tấn; năm 2017 là 143.000 tấn; năm 2018 là 169.000 tấn).
Ông Trịnh Khôi Nguyên đánh giá, công suất sản xuất thép không gỉ thấp đã đặt DN sản xuất thép vào tình thế khó khăn. Cộng thêm việc Ấn Độ kiến nghị áp thuế chống trợ cấp với thép không gỉ của Việt Nam vào thị trường này, nhiều khả năng sẽ làm cho lượng thép không gỉ xuất khẩu giảm trong thời gian tới. Và khi xuất khẩu giảm, các nhà sản xuất buộc phải tăng cường bán hàng ở thị trường nội địa, mà thị trường này vốn dĩ đã cạnh tranh khá gay gắt do thừa cung.
Chưa kể, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá quặng sắt liên tục leo thang, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với những diễn biến khó lường cũng đã và đang đẩy ngành thép Việt Nam đối diện với những khó khăn mới.
Đứng trước các thách thức này, để bảo vệ DN sản xuất thép trong nước, VSA mong muốn Chính phủ có những chính sách đồng bộ, thuận lợi, chủ động để giảm thiểu được những tác động do biến động bên ngoài. Về phía DN, cần phải xây dựng năng lực để hiểu “luật chơi” quốc tế từ các quy định tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, từ đó chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh tốt nhất. Khi xảy ra những vụ việc điều tra, DN cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp với cơ quan điều tra, hiệp hội, Bộ Công Thương, tư vấn pháp lý để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.
Nguồn tin: Baodauthau