"Diễn biến giá cả hàng hóa trên thế giới sẽ vẫn là ẩn số lớn đối với lạm phát 2018" - Nhận định này vừa được đưa ra tại báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI.
SSI cho rằng việc đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% cho năm 2018 sẽ có nhiều thách thức hơn so với năm 2017.
Theo đó, CPI tháng 12 năm 2017 tăng +0.21% MoM, thấp hơn khá nhiều so với lo ngại của SSI khi giá điện, giá xăng, giá thịt lợn cùng tăng cộng hưởng với mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm. Điều gây bất ngờ là mặc dù giá thịt lợn tăng nhưng CPI Thực phẩm lại giảm - 0.5% MoM trong khi tháng 11 chỉ giảm -0.06%.
Nhờ CPI Thực phẩm giảm, giá dịch vụ y tế tiếp tục được tăng ở 15 tỉnh làm CPI Thuốc và Dịch vụ y tế tăng +2.55% MoM, mức cao nhất 4 tháng (tháng 8, CPI Thuốc & Dịch vụ y tế tăng +2.86% do có 17 tỉnh tăng giá dịch vụ y tế).
Tính chung cả năm, CPI tăng +2.6% YTD, thấp hơn dự báo của SSI là ~3% và CPI bình quân cả năm tăng +3.53%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát 4% của Quốc hội.
Hai nhóm mặt hàng kéo giảm CPI năm 2017 là Thực phẩm (-3.92%) và Bưu chính viễn thông (-0.46%). SSI đã nhiều lần nói đến khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn là nguyên nhân chính giúp kìm hãm lạm phát. Dẫu vậy, diễn biến giá thịt lợn trong tháng 12 đang cho thấy xu hướng ngược lại. Giá thịt lợn hơi trong nước cũng như giá thịt lợn bán buôn tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng, dù mức tăng chưa lớn nhưng với Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều khả năng giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong số các mặt hàng tăng giá năm 2017, CPI nhóm Thuốc và Dịch vụ y tế tăng mạnh nhất, +27.79% do Bộ y tế tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư LT 37/2015/BTC-BYT và Thông tư 02/2017.
Nhóm Giáo dục có mức tăng đứng thứ 2, +7.29% YTD do Nghị định 86/2015 cho phép điều chỉnh học phí hàng năm theo diễn biến của lạm phát. Điều này đồng nghĩa học phí sẽ tăng liên tục bởi sẽ rất khó có 1 năm lạm phát âm.
Đứng thứ 3 về mức tăng giá là CPI Giao thông do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng cùng giá dầu thế giới. Giá xăng Ron A92 trong năm 2017 đã tăng 990đ/lít từ mức 17.590 VND/lít lên 18.580 VND/lít trong khi giá dầu thế giới tăng nhẹ +2.9%. Cũng chịu ảnh hưởng bởi giá hàng hóa thế giới, CPI nhóm Nhà ở và Vật liệu xây dựng có mức tăng cao thứ 4, +4.7% do giá gas, dầu hỏa, điện, nước sinh hoạt và sắt thép tăng.
CPI Lương thực mặc dù tăng thấp, +3.1%, nhưng với tỷ trọng tương đối cao cũng có ảnh hưởng nhất định đến CPI tổng thể. CPI Lương thực tăng chủ yếu là do nhu cầu thu mua gạo cho hợp đồng xuất khẩu. Giá lúa khô tại ĐBSCL vào thời điểm cuối năm 2017 dao động từ 5.700-5.800đ/kg, tăng ~600đ/kg (~10.5%) so với thời điểm cuối năm 2016 là 5.100đ-5.200đ/kg.
Nhìn sang 2018, SSI cho rằng diễn biến giá cả hàng hóa trên thế giới sẽ vẫn là ẩn số lớn đối với lạm phát. Nếu như giá dầu khó có thể tăng mạnh thì giá thịt lợn mà kéo theo đó là giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống hoàn toàn có thể tăng nhanh so với nền thấp của năm 2017.
Đặc biệt, việc khơi thông thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc một mặt mang lại tăng trưởng cao cho sản xuất nông nghiệp nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát nếu không có sự chuẩn bị trước về nguồn cung.
Bên cạnh đó, những mặt hàng được điều tiết bởi quyết định hành chính là Y tế và Giáo dục cũng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng giá. Với các lý do trên, SSI cho rằng việc đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% cho năm 2018 sẽ có nhiều thách thức hơn so với năm 2017.
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp