Ngày 7/3, Bộ Công Thương đã có Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung và đối với thép dài Trung Quốc là 14,2%. Thời gian áp dụng mức thuế này được xác định là tối đa trong vòng 200 ngày, tức là đến hết ngày 7/10/2016.
Được biết, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, thời gian vừa qua, khối lượng phôi thép và thép dài Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra đã tăng cả về mặt tuyệt đối và tương đối. Và điều này đã khiến ngành sản xuất trong nước chịu những thiệt hại nghiêm trọng như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, nhân công tồn kho tăng trong giai đoạn 2012 - 2015, đặc biệt là năm 2015.
Bên cạnh đó, việc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc trong thời gian qua và sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép Trung Quốc; cùng với đó việc một số quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu được xem là "những diễn biến không lường trước". Đây là nguyên nhân lý giải sự gia tăng đột biến hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Như vậy, sau Quyết định này, các doanh nghiệp thép Việt Nam có thêm khoảng 200 ngày bớt khó khăn để ứng phó với thép ngoại, mà chủ yếu là thép Trung Quốc nhập khẩu.
Theo báo kết quả điều tra nghiên cứu: Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), TS Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết: Hàng hóa của Việt Nam phải đối diện với vô vàn rủi ro về việc cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí nhiều hàng hóa nhập khẩu được bán với giá thấp kỷ lục, mang tính chất “hủy diệt” hàng nội địa.
"Việc sử dụng các biện pháp PVTM vì thế theo bà Trang là vô cùng cấp bách. Nó không chỉ góp phần đảm bảo tính minh bach, cạnh tranh lành mạnh của hàng hóa trên thị trường, bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi các đối tượng cạnh tranh nước ngoài. PVTM bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài"-TS Trang nhấn mạnh.
Nguồn tin: PetroTimes