- Nhận định ngày 23/10: Diễn biến trái chiều của TTCK Việt Nam so với tình hình thế giới trong 2 phiên giao dịch vừa qua cho thấy tâm lý nhà đầu tư tương đối ổn định và rất kỳ vọng vào tình hình kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp vào cuối năm. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi các thông tin tốt từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI). Tuy vậy, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch cuối tuần sẽ giằng co trên cả hai sàn bởi hoạt động chốt lời đầu tư ngắn hạn. Chúng tôi cũng cung cấp nhận định ngắn về tin tức ngành thủy sản và ngành thép.
DIỄN BIẾN GIAO DỊCH NGÀY 22/10
Bất chấp sự điều chỉnh mạnh của TTCK thế giới và áp lực của 120 triệu cổ phiếu được mua vào từ phiên thứ 6 tuần trước đã về tài khoản, hôm nay các nhà đầu tư hưng phấn ngay từ đợt giao dịch khớp lệnh mở cửa thị trường. Hầu hết các mã bluechips chứng kiến nhiều lệnh mua với khối lượng lớn được đưa vào. Tâm lý của nhà đầu tư dường như đang ngày càng ổn định hơn.
Các mã cổ phiếu ngành vận tải-kho bãi tiếp tục gây chú ý, khi GMD trở lại đà tăng giá. Trong khi đó SFI, VFC… tiếp tục tăng trần. Sự phân hóa của các cổ phiếu ngành cao su diễn ra khá rõ nét. Trong khi CSM, DPR, HRC, TRC tăng trần thì DRC, PHR đều giao dịch dưới mức giá tham chiếu.
Các cổ phiếu ngành bất động sản đồng loạt giảm điểm sau một thời gian dài tạo sóng trên thị trường. Ảnh hưởng của Thông tư 161/2009/TT-BTC về việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập giao dịch bất động sản và việc thắt chặt tín dụng vào bất động sản đã bắt đầu thể hiện.
Sàn Hà Nội hôm nay có một phiên giao dịch giằng co. Đáng chú ý vào giữa phiên HNX-Index có lúc giảm điểm khá mạnh. Tuy vậy, lực cầu của thị trường vẫn khá mạnh đã giúp chỉ số này tiếp tục đi lên ngay sau đó. Mặc dù ngưỡng 220 điểm chưa thể vượt qua nhưng thị trường vẫn đi lên khi mà cả thế giới điều chỉnh là một tín hiệu rất lạc quan. Một trong những tâm điểm của hôm nay trên sàn HNX là cổ phiếu ACB, khi tiếp tục xu hướng tăng có từ hôm qua, và đánh tín hiệu đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng như CTG, STB, VCB.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay VN-Index đóng cửa với mức tăng 5.62 điểm tương đương với +0.90% đạt mức 624.1 điểm. Chỉ số HNX-Index đạt mức 218.38 tăng nhẹ 0.64 điểm (+0.29%). Tính thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức tốt khi có trên 154 triệu đơn vị được khớp lệnh trên cả 2 sàn với tổng giá trị giao dịch đạt 7,502 tỷ đồng.
Hôm nay có sự trái chiều trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi họ bán ròng trên HOSE và mua ròng trên HNX. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 207,840 đơn vị tương đương với giá trị bán ròng là 35.43 tỷ. NĐTNN tăng cường mua vào cổ phiếu PPC với 383,920 đơn vị, tiếp theo là VIP với 341,660 đơn vị.
Trên sàn HNX sáng nay khối ngoại mua ròng 196,900 đơn vị với giá trị tương ứng là 16.23 tỷ đồng. NTP được NĐTNN mua nhiều nhất với 102,000 đơn vị, tiếp theo là VCG với 95,700 đơn vị.
TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Chứng khoán châu Á và châu Âu tiếp tục điều chỉnh
Trong phiên giao dịch ngày 22/10 toàn bộ chỉ số chứng khoán Châu Á đều mất điểm. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 1.18% xuống 743.81 điểm. Chứng khoán châu Á giảm điểm trước quan ngại về khả năng Trung Quốc nâng lãi suất cơ bản thắt chặt tiền tệ nhằm kìm hãm tốc độ lạm phát vào cuối năm. Sự tiếp tục điều chỉnh của thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày hôm nay có sẽ tác động khá nhiều lên thị trường châu Âu. Hiện tại, chỉ số STOXX 50 của châu Âu đang giảm...
Giá dầu và vàng tăng do USD tiếp tục trượt giá
Cục dự Liên bang Mỹ (FED) công bố kết quả điều tra Beige Book về tình hình kinh tế trong nước đã khiến cho USD nhanh chóng tiếp tục mất giá. Mặc dù báo cáo có nội dung kinh tế Mỹ đang chứng kiến sự phục hồi ở các lĩnh vực địa ốc và sản xuất, nhưng khảo sát tình hình tín dụng cho thấy sự suy yếu của cả nhu cầu vay vốn lẫn chất lượng các khoản vay. Do đó, sẽ rất khó có khả năng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Hiện tại, đồng USD đã sụt về mức 1.5046 USD/EUR, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2008.
Sự sụt giảm của đồng USD đã khiến cho vàng tăng lên mức 1,065 USD/oz. Tuy nhiên, hoạt động chốt lãi của giới đầu tư đã khiến vàng không thể tiến xa hơn nữa và kết thúc ngày giao dịch ở mức 1,059.8 USD/oz tăng 4.1 USD/oz (0.4%) so với phiên trước đó.
Giá dầu thô tăng do 2 nguyên nhân chính là sự mất giá của đồng USD và do tác động của dữ trữ xăng dầu của Mỹ giảm mạnh. Giá dầu thô trên NYMEX hôm qua đã đạt mức 81 USD/thùng cao nhất trong vòng 1 năm qua. Kết thúc phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tăng 2,25 USD/thùng (2,8%), đạt mức 81,37 USD/thùng.
TIN TRONG NƯỚC
Giá xăng trong nước có thể tăng
Chỉ trong mấy ngày qua giá dầu thô thế giới đã tăng lên khá mạnh. Tại Singapore, nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, giá xăng A92 thành phẩm dao động quanh mức 79 - 80 USD/thùng; dầu diezel và dầu hỏa thành phẩm giao động quanh ngưỡng 84 USD/thùng. Theo tính toán của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với mức giá dầu thô 81 USD/thùng, thì với mức giá xăng dầu trong nước hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ 700 - 1,000 đồng/lít. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp gửi công văn lên liên Bộ Tài chính - Công Thương kiến nghị tăng giá bán lẻ trong nước từ 500 đồng - 700 đồng/lít.
Hiện tại, liên Bộ Tài chính - Công Thương đang bàn bạc để có thể đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Với tình hình giá dầu thô đã vượt 81 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 1 năm qua và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nữa khi đồng USD liên tục mất giá, có thể giá xăng trong nước buộc sẽ phải tăng. Nếu giá xăng trong nước tăng thì chỉ tiêu về lạm phát của Chính phủ đề ra khó có thể giữ được, và ngành vận tải trong nước sẽ phải đối mặt với một đợt tăng giá cước mới.
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI)
Sau một thời gian dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi thị trường Việt Nam, thì nay dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) đang có xu hướng quay trở lại với giá trị ngày càng tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi khá án tượng trong thời gian vừa qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết công bố gần đây khá ấn tượng. Do đó, dòng vốn FDI vào - ra trong những phiên giao dịch gần đây đã ở trạng thái dương, có nghĩa là vốn vào nhiều hơn vốn rút ra.
Mặc dù luồng vốn vào còn khá thấp chỉ ở khoảng 3-5 triệu USD/ngày, nhưng đây là dấu hiệu khá tích cực vì tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi bóng của cuộc khủng hoảng. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang là một thị trường khá hấp dẫn và nhà đầu tư nước ngoài đã có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như có đề cập trước đây, vấn đề tỷ giá có thể là một mối quan tâm đối với dòng vốn này. Một khi việc giảm giá VND là đoán được, có thể dòng vốn này sẽ khó mà được giải ngân với số lượng lớn, ồ ạt, do sẽ có sự cân nhắc giữa mức độ trượt giá và tỷ suất sinh lời.
TIN NGÀNH KINH TẾ
Thiếu cá tra, basa nguyên liệu, công ty thủy sản nào bị ảnh hưởng?
Theo TTXVN, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết diện tích nuôi trồng thủy sản trong tỉnh này đã giảm 10% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra giảm 11% (tương đương 1,100ha). Nguyên nhân được cho là do giá thức ăn cho cá tăng khiến nhiều hộ nuôi cá thua lỗ và không tiếp tục nuôi trồng. An Giang là trung tâm nuôi trồng và chế biến cá tra, cá basa của cả nước. Rất có thể điều tương tự cũng đang xảy ra ở các hộ nuôi cá basa, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác.
Vì vậy, sản lượng thủy sản nuôi trong năm 2009 của tỉnh An Giang ước tính chỉ đạt trên 280,000 tấn, giảm 30,000 tấn so với năm 2008. Việc giảm diện tích nuôi trồng thủy sản tạo áp lực lớn lên nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản vào cuối năm 2009.
Tuy vậy, diễn biến này không hoàn toàn mới. Các công ty xuất khẩu thủy sản đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Khó khăn trong việc tìm đầu ra đã làm giá nguyên liệu thu mua của các công ty chế biến sụt giảm đáng kể. Giá cá tra, cá basa đã liên tục giảm, và đến nay vẫn còn dưới giá thành. Việc các hộ nông dân không mặn mà với việc nuôi trồng là điều khó tránh khỏi.
Câu hỏi đặt ra là công ty chế biến thủy sản nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc thiếu hụt nguyên liệu này? Rõ ràng đó là những công ty phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cá thu mua trực tiếp từ hộ nông dân. Tuy nhiên theo chúng tôi được biết, không phải tất cả công ty đều đang làm theo cách này. Một số công ty chế biến biến thủy sản ở ĐBSCL hiện đã có vùng nuôi trồng riêng và có thể chủ động đến 60% nguồn nguyên liệu; và rõ ràng họ sẽ có lợi thế trong cuộc đua.
Diễn biến những năm trước cho thấy, một khi diện tích nuôi trồng bị thu hẹp, giá cá nguyên liệu sau đó lại có xu hướng tăng lên. Với lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, điều này đến lượt lại tác động lên giá cá thành phẩm xuất khẩu. Nếu chúng ta chấp nhận triển vọng thị trường đầu ra của thủy sản sẽ khả quan từ đây đến cuối năm, các công ty có thế mạnh về nguồn nguyên liệu lại được hưởng lợi nhiều hơn.
Một điểm nữa cần lưu ý là hàng tồn kho hiện tại của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tận dụng việc tích trữ hàng tồn kho giá rẻ thời gian qua sẽ có nhiều lợi thế hơn về nguồn nguyên liệu. Để nhà đầu tư tham khảo, chúng tôi tập hợp trong bảng dưới đây tình hình biến động hàng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản từ Q4/2008 đến Q3/2009. Để đơn giản, chúng tôi tạm thời không phân biệt giữa các loại hàng tồn kho như: thành phẩm, sản phẩm dở dang, nguyên vật liệu, và cũng không xét đến loại sản phẩm mà từng công ty sản xuất.
Số dư hàng tồn kho các doanh nghiệp thủy sản
Ngành thép trước tình trạng giá phôi thép hạ
Hiện tại, giá phôi thép nhập khẩu được chào ở mức 480-490 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 10/2009. Trước tình hình Trung Quốc đang dư thừa thép và xuất khẩu thép giá rẻ ra các nước thì giá phôi thép giảm là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, các nhà sản xuất phôi thép trong nước cũng đang bán giá phôi tương đương giá phôi thép nhập khẩu nên không có nhiều doanh nghiệp lựa chọn giao dịch ở mức giá này. Lượng thép tiêu thụ trên thị trường chưa khởi sắc buộc nhiều doanh nghiệp cân nhắc khả năng tiếp tục dự trữ phôi thép ở mức giá cao. Hầu hết, các doanh nghiệp vẫn đang chờ tín hiệu từ thị trường để nhập kho nguyên vật liệu.
Nếu giá phôi thép trong thời gian tới tiếp tục hạ thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn nhập khẩu phôi thép giá rẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp thép phải hạ giá bán thép. Trong khi lượng tiêu thụ vẫn đang giảm thì phải đối mặt với thép ngoại lấn sân và giá phôi đang có dấu hiệu giảm trở lại khiến cho ngành thép có thể sẽ phải trải qua quý IV một cách khó khăn.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
VN-Index – Tiếp tục sóng Elliott thứ 3
Hiện còn nhiều ý kiến cho rằng VN-Index đã tăng trưởng quá nóng và VN-Index đang ở vào giai đoạn cuối của sóng Elliott thứ năm, sau đó sẽ là ba sóng hiệu chỉnh giảm. Tất cả những nhận định này dường như đang nhường chỗ cho một giả thuyết mới đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và hợp lý hơn: sóng Elliott thứ 3.
Momentum Osc vẫn đang được Rahul Mohindar Osc hỗ trợ rất tốt. Vì vậy, khả năng thị trường sẽ dò đáy một lần nữa gần như khó xảy ra. Các indicators quan trọng như Relative Strength Index, Money Flow Index, Chaikin Money Flow… đều đã đến hoặc gần đến vùng overbought nhưng thị trường vẫn tiếp tục đi lên nhờ sự hỗ trợ mạnh từ từ các yếu tố trung và dài hạn (các đường SMA, trendline…).
HNX-Index – Vượt ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%
Ngưỡng kháng cự Fibonacci Retracement 161.8% đã bị vượt qua dễ dàng. Khối lượng giao dịch kỷ lục (63,045,400 cp) chứng tỏ thị trường bắt đầu tiêu hoá hết những cổ phiếu còn sót lại của bearish group.
Swing và MACD Derivatives đã cho sell signal nhưng một vài phiên điều chỉnh cũng không phải là điều đáng lo ngại. Thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn sau khi điều chỉnh nhẹ, nếu có.
NHẬN ĐỊNH NGÀY MAI
Diễn biến trái chiều của thị trường chứng khoán trong nước trong 2 phiên giao dịch vừa qua cho thấy tâm lý nhà đầu tư tương đối ổn định và rất kỳ vọng vào tình hình kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp vào cuối năm. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi các thông tin tốt từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, phiên giao dịch ngày 23/10 có thể sẽ là một phiên giao dịch giằng co trên cả hai sàn bởi hoạt động chốt lời đầu tư ngắn hạn. Trong phiên giao dịch thị trường sẽ có những điều chỉnh và chúng tôi không loại trừ khả năng thị trường giảm nhẹ khi kết thúc giao dịch.
MỖI NGÀY MỘT CỔ PHIẾU: CTCP CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN HÀ NỘI (SHS.HNX)
Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều, chúng tôi lựa chọn một số cổ phiếu và thực hiện phân tích kỹ thuật chi tiết trong mục ”Mỗi ngày một cổ phiếu”. Các cổ phiếu này sẽ phải thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn như: tính thanh khoản cao, có khả năng đại diện - dẫn dắt thị trường và có giá trị vốn hoá lớn.
SHS: Đang đi vào buy range
MFI và RSI đang ở mức khá thấp. Đặc biệt, những chỉ số này được nâng đỡ khá mạnh bởi đường trendline trung hạn. Khả năng break được đường này trong ngắn hạn là thấp.
Vùng giá 37,000 – 38,000 đang đóng vai trò là vùng support mạnh cho đường giá. Trong quá khứ, vùng này đã được test một lần vào đầu tháng 10/2009.
Lịch sử sẽ lặp lại?
Trong giai đoạn hiện nay, SHS có cái gì đó tương tự với giai đoạn tháng 7 - tháng 8. Khi đó, vùng giá 30,000 – 31,000 cũng đóng vai trò support mạnh cho đường giá và sự thật là khi đường closing price chạm vào vùng này đã bật lên mạnh mẽ.
Swing cũng sắp chạm vào vùng oversold. Về mặt kỹ thuật, cũng không quá rủi ro nếu mua SHS vào lúc này nhất là khi Parabolic SAR sắp cắt xuống đường giá để tạo thành buy signal.