Cuộc cạnh tranh trong ngành thép đang ở thời kỳ gay gắt. Hiện nay, tổng sản lượng các chủng loại thép sản xuất trong nước đã vượt xa nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, lượng thép nhập khẩu liên tục tăng, các doanh nghiệp thép nước ngoài có xu hướng đẩy mạnh đầu tư nhà máy tại Việt Nam đang gây áp lực đối với các doanh nghiệp ngành thép.
Chênh lớn cán cân cung - cầu
Theo tính toán sơ bộ, tổng năng lực sản xuất ngành thép nước ta đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, đứng đầu các nước Đông - Nam Á, tuy nhiên công suất hoạt động chỉ đạt khoảng từ 63 đến 65% công suất thiết kế. Đối với thép xây dựng, tổng công suất các nhà máy đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ vài năm gần đây chỉ dao động quanh mức từ 7 đến 9 triệu tấn. Nhiều chủng loại thép năng lực sản xuất vượt gấp hơn hai lần mức tiêu thụ, khiến các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng từ 50 đến 55% công suất thiết kế. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, trong năm tháng vừa qua, các doanh nghiệp thép thành viên VSA đã sản xuất 9,7 triệu tấn thép các loại, tăng 24% so cùng kỳ. Tuy sản xuất trong nước tăng mạnh, nhưng cả nước vẫn nhập khẩu gần 5,7 triệu tấn thép, giá trị kim ngạch hơn bốn tỷ USD; trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm gần 50% (trị giá hơn 1,83 tỷ USD), có cả những mặt hàng trong nước đã dư thừa, tồn kho lớn,...
Ngành thép có mức tiêu thụ năng lượng lớn, chiếm gần 5,5% tổng năng lượng tiêu thụ của các ngành công nghiệp; trong đó, điện năng chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 50%). Theo tính toán của một chuyên gia ngành thép, để luyện được một mẻ thép, doanh nghiệp thép trong nước cần trung bình khoảng 90 đến 180 phút, điện năng tiêu thụ cho mỗi tấn khoảng 550 đến 690 kW giờ, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ khoảng 45 đến 70 phút, tiêu hao điện năng khoảng 360 đến 430 kW giờ. Theo cân đối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hệ thống điện chỉ bảo đảm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống trong tình huống bình thường. Trường hợp phát sinh một số yếu tố bất lợi như tiến độ đầu tư các nhà máy điện bị “vỡ kế hoạch”, ảnh hưởng việc cung ứng điện; khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN không đạt yêu cầu; tốc độ tăng phụ tải quá nhanh,… chắc chắn nguy cơ thiếu hụt sẽ xảy ra. Tình hình cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành phố phía nam trong năm nay và những năm tiếp theo được nhận định vẫn tiếp tục gặp khó khăn, hệ thống điện miền nam vẫn chưa tự cân đối nguồn cung, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ miền bắc và miền trung qua đường dây 500 kV, nhất là trong các tháng mùa khô khi phụ tải tăng cao. Ở các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ,… công nghiệp phát triển nhanh, phụ tải tăng cao hơn 11%, đang đe dọa khả năng cung cấp điện ổn định, tại một số thời điểm đã xảy ra tình trạng quá tải. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy sản xuất thép đều tập trung tại các tỉnh miền trung trở vào, nhiều doanh nghiệp thép vẫn tiếp tục xu hướng mở rộng hoặc đầu tư mới nhà máy sản xuất thép ở khu vực này, càng gây áp lực lớn lên khả năng cung cấp điện và hệ thống truyền tải điện.
Thận trọng khi cấp phép đầu tư thép
Trong khi ngành thép đang đối mặt khó khăn do dư thừa nguồn cung, bị cạnh tranh gay gắt của thép nhập khẩu,… nhiều doanh nghiệp thép nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển, đầu tư nhà máy thép tại Việt Nam càng khiến khó khăn thêm chồng chất, nguy cơ chịu ảnh hưởng bất lợi của ngành thép ngày càng rõ nét. Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam đã bị “chặn” bởi việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại nhiều nước. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu “mạnh tay” lên các sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo phán quyết này, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp hơn 256% đối với thép cuộn cán nguội từ Việt Nam; thép không gỉ từ Việt Nam cũng bị áp thuế chống bán phá giá gần 200%, chưa kể hai chủng loại này còn bị cộng thêm mức thuế 25%. Đầu năm nay, EU đã thông báo mở cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 mặt hàng thép nhập khẩu, trong đó có sáu loại xuất xứ từ Việt Nam. Nếu bị cáo buộc có hiện tượng “lẩn tránh xuất xứ”, thép Việt Nam sẽ có nguy cơ bị áp thuế, thay vì được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập 0% như hiện nay.
Ngành thép trên thế giới được xác định là “công nghiệp bẩn”, cho nên thời gian gần đây, nhiều quốc gia siết chặt quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, mức tiêu thụ năng lượng,… khiến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm, một số nhà máy thép cũ, công nghệ lạc hậu đang được hỗ trợ để di dời sang các nước khác có quy định “lỏng” hơn. 5 năm gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay tái cấu trúc ngành thép, chuyển hàng loạt dự án thép đầu tư ra nước ngoài, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam. Tập đoàn thép Sting Shan (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư nhà máy thép không gỉ cán nóng ở In-đô-nê-xi-a, sản lượng vượt xa mức tiêu thụ toàn thị trường của quốc gia này. Công ty Yongjin (Trung Quốc) cũng xây dựng một nhà máy công suất 700 nghìn tấn ở In-đô-nê-xi-a, chủ yếu lấy nguyên liệu từ Sting Shan. Cũng chính doanh nghiệp này đang xúc tiến đầu tư nhà máy thép không gỉ cán nguội công suất gần 300 nghìn tấn/năm tại Đồng Nai khiến VSA và nhiều doanh nghiệp hết sức lo ngại. VSA đã chính thức báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đề nghị xem xét thận trọng việc chấp thuận đầu tư đối với Yongjin. Theo quan điểm của VSA, trước sức ép cung - cầu thép mất cân đối, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng ở các quốc gia mà Mỹ và EU là điển hình nhằm hạn chế làn sóng nhập khẩu thép, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đồng loạt đối với sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích số liệu và căn cứ tình hình thực tế, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước xem xét chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ chế tạo, đóng tàu, ô-tô… trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời, chưa cần thiết phải đầu tư thêm các sản phẩm thép cuộn cán nóng, cán nguội thép xây dựng, thép cuộn, tôn mạ,… trong giai đoạn hiện nay và không phê duyệt các dự án đầu tư các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa.
Một số chuyên gia ngành luyện kim đã bày tỏ đồng tình đối với kiến nghị của VSA bởi nước ta dường như đã trở thành “điểm trung chuyển” của các doanh nghiệp thép Trung Quốc để tránh bị đánh thuế từ nhiều quốc gia. Theo PGS,TS Tô Duy Phương, thành viên Ban Chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam, các doanh nghiệp thép Việt Nam có nguy cơ bị “vạ lây” trước xu hướng chuyển dịch xuất xứ của thép Trung Quốc, vì thế cần hết sức thận trọng. Để hạn chế ảnh hưởng của ngành thép từ việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ gây khó khăn cho xuất khẩu, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời học hỏi, nắm bắt rõ luật thương mại quốc tế cũng như của các nước xuất khẩu.
Nguồn tin: Nhân dân