Hàng loạt chi phí đầu vào quan trọng như xăng, điện, gas tăng giá trong bối cảnh sức mua còn yếu, hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp (DN) đang đình đốn, sản xuất kinh doanh cầm chừng khiến DN gặp vô vàn khó khăn. Ngoài ra, việc tăng giá các mặt hàng nhạy cảm này còn tạo thêm áp lực lớn cho hàng loạt mặt hàng khác kéo theo CPI có dấu hiệu tăng vọt trong những tháng cuối năm.
“Làn sóng” tăng giá
Nhìn lại hơn 1 tháng qua cho thấy sự dồn dập và quyết liệt tăng giá của một số mặt hàng chủ lực. Điển hình, chỉ trong vòng 1 tháng, xăng đã 3 lần tăng giá đều đặn. Ngày 31-7 giá điện và gas cùng tăng một lúc, điện tăng 5% và gas tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg. Tiếp đến là sữa cũng “rục rịch” tăng giá 5-15% từ đầu tháng 8, là đợt tăng giá lần thứ 5 của mặt hàng này trong 6 tháng... Điều đáng lo ngại nhất là một làn sóng hàng hóa tăng giá mới sẽ ập đến do điện, xăng tăng giá. Đấy là chưa kể trào lưu “tát nước theo mưa” vì giá của mặt hàng này là đầu ra của nhiều mặt hàng khác. Thực tế kinh tế khó khăn khiến thu nhập và đời sống người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu chắc chắn sẽ gây nên những tác động khó khăn gấp nhiều lần cho đời sống người dân, DN.
Việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, điện, gas... khiến giá cả đầu vào tăng theo càng đẩy sức tiêu thụ đã yếu lại yếu hơn, hàng hóa càng ùn ứ. Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng 7 tháng của năm 2013 chỉ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (nếu trừ yếu tố giá cả, mức tăng chỉ còn 4,86%), thấp hơn đáng kể so với con số 6,74% cùng kỳ năm ngoái và mức tăng bình quân 24% hằng năm. Riêng ở Đà Nẵng có mức tăng khá hơn 12,21% so với cùng kỳ. Đây là điều đáng lo bởi tổng cầu giảm chứng tỏ sức mua yếu dần, gây nhiều khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, một số mặt hàng chủ lực tăng giá dự báo, lạm phát có thể tăng mạnh trong tháng 8 và đe dọa mục tiêu của Chính phủ kìm chế lạm phạt ở mức 7%.
Ngành thép đang gặp khó khăn do đối mặt với đầu ra và áp lực chi phí đầu vào tăng cao. |
“Vắt sức” doanh nghiệp
Trong khi DN đang tìm mọi cách tiết giảm chi phí, giảm giá sản phẩm khơi thông đầu ra... nhằm bảo toàn để tồn tại thì hết giá xăng, đến giá điện tăng dồn dập khiến DN trở tay không kịp. DN như đang bị “vắt kiệt sức” sau cơn suy thoái nay lại đến lượt chi phí đầu vào tăng khiến sức càng kiệt. Nhìn rộng ra, không thể có một thực tế sáng sủa khi sức tiêu thụ giảm, kinh doanh thua lỗ, DN nợ nần và phá sản nhiều khiến cho thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội DNNVV Đà Nẵng cho rằng, nếu như mỗi hộ gia đình chi trả thêm 5% chi phí giá điện cho mỗi tháng vẫn có thể gắng gượng được. Tuy nhiên, đối với các DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều điện như xi-măng, sắt thép, cao su... thì việc tăng giá thời điểm này chẳng khác nào đã “gánh nặng còn bỏ thêm đá”. Nhìn nhận thực tế, các DN sản xuất kinh doanh của Đà Nẵng chủ yếu là nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu nên sức “đề kháng” trước áp lực tăng giá sẽ càng yếu. Do đó, ông Lý đề nghị muốn tăng thì phải có lộ trình, phải báo trước, không thể tăng đột ngột, nhất là tăng quá mạnh... Theo ông Lý, quyết định tăng giá xăng, điện trong vòng 2 tháng qua được cho là quá bất ngờ đối với các DN.
Lún sâu vào khốn đốn
Bà Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch HĐQT Cty Thép Thái Bình Dương phân bua, trong 2 năm nay thị trường thép liên tục gặp vô vàn khó khăn, Cty chỉ vận hành công suất nhà máy dưới 30% nhưng mỗi tháng chi phí tiền điện cũng chiếm hơn 5 tỷ đồng, nay giá điện tăng thêm 5%, mỗi tháng phải tốn thêm 250 triệu đồng tiền điện nên từ nay đến cuối năm chi phí tăng thêm 1,25 tỷ đồng. Điều này đã làm cho các DN sản xuất thép lún sâu vào khốn đốn. Cũng theo bà Xuân, giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng thép vẫn giữ nguyên giá bán để giữ chân khách hàng để duy trì sản xuất, thu nhập cho người lao động thì quả là rất khó.
Cùng quan điểm, ông Hồ Nghĩa Tín - Tổng Giám đốc Cty Thép Dana - Ý chia sẻ, giá điện tăng 5% sẽ làm tăng chi phí sản xuất của DN mỗi tháng khoảng hơn 1 tỷ đồng, đấy là chưa kể đến giá điện tăng hàng loạt nguyên phụ liệu khác cũng tăng theo, trong khi DN đang hoạt động cầm chừng, chỉ vận hành trên 50% công suất nhà máy, phải cố gắng đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các DN bởi nhu cầu về thép xây dựng đang xuống thấp, chi phí sản xuất tăng nhưng DN không thể tăng giá bán được.
Thời điểm này sức mua đang xuống rất thấp, DN phải vật lộn với việc đẩy sức mua để giúp phục hồi sản xuất, thoát khỏi khó khăn thì đáng lẽ cần giảm chi phí đầu vào như lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh thì lại tăng giá điện, giá xăng như đang vắt kiệt sức DN.
Nguồn tin: Công an