Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ: Có ai được bảo hộ?

Bộ Công thương khẳng định việc áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước,lập lại cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá nội địa.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

Liệu biện pháp áp thuế chống bán phá giá sẽ tác động như thế nào đối với sản xuất, tiêu thụ trong nước nói chung và các doanh nghiệp nhập khẩu thép nói riêng trong thời gian tới?.

Theo Bộ Công Thương một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia sẽ bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thấp nhất chỉ 3,07%, cao nhất lên tới hơn 37%. Trước đó, năm 2013, hai doanh nghiệp là Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox đề nghị Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) điều tra việc bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, khi bán giá thấp kỷ lục khiến doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng lao đao.

Trước khi đưa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá, Cục Quản lý cạnh tranh có hơn một năm điều tra và phối hợp với một nước thứ ba để đối chiếu giá. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp từ các nước và vùng lãnh thổ nêu trên đã bán sản phẩm này với giá quá thấp, cạnh tranh không công bằng so với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Nhận định về sự kiện này, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc đưa ra quyết định của Bộ Công Thương là chính xác và thận trọng. Khi doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu, kiến nghị điều tra. Đây là biện pháp hoàn toàn bình thường để doanh nghiệp Việt Nam tự bảo vệ mình và phù hợp chuẩn mực quốc tế. Ông Hồ Nghĩa Dũng nói: “Quan điểm của Hiệp hội, đây là việc làm cần thiết theo đúng thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được. Chúng ta cần phải có chính sách thuế hợp lý để nhà đầu tư trong nước và nươc ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nếu nhập khẩu với giá hợp lý thì đó là sự cạnh tranh lành mạnh cần thiết, nhưng nếu như nhập vào với giá rẻ và phá giá thì đó là điều không được và phải xử lý”.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lại không đồng tình với quyết định này. Các doanh nghiệp này cho biết nếu áp thuế chống bán phá giá sẽ đẩy giá thép lên cao, chính doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam sẽ bị thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Sunhouse, thuế chống bán phá giá áp cho nguyên liệu vào của doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm ít nhất 5%, từ đó giảm cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để không phải nhập khẩu từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp chỉ còn cách nhập từ các nhà sản xuất trong nước. Thế nhưng, thực tế hiện nay, trong nước chưa doanh nghiệp nào sản xuất được thép không gỉ cán nguội, mà chủ yếu nhập khẩu thép không gỉ dạng tấm về gia công. Không ít doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại việc áp thuế chống bán phá giá này, vô hình chung là bảo vệ một số đơn vị, nhưng lại ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thép không gỉ cán nguội, đây là điểm không hợp lý.

Ông Nguyễn Xuân Phú nói: “Vì nhập khẩu bị đánh thuế như vậy, chúng tôi không nhập được nữa. Sắp tới, doanh nghiệp tôi có thể sẽ chỉ mua được ở Posco, chất lượng không đảm bảo, nguồn cung không phong phú. Thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào phổ biến trên thế giới, chỉ cần chênh giá 3-5% là mất cơ hội cạnh tranh, không xuất khẩu được hoặc trong thị trường nội địa cũng khó khăn. Vì sắp tới, khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nước được hưởng đầu vào rẻ, còn doanh nghiệp Việt, đầu vào đắt, chúng ta thua cả sân nhà và quốc tế”.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), bà Phạm Châu Giang bác bỏ ý kiến cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá là để bảo hộ 1 số doanh nghiệp. Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá được đưa ra không quá cao, vì trong những vụ việc chống bán phá giá đối với mặt hàng thép trên thế giới gần đây, thông thường là 20 – 30%, hoặc có vụ việc lên tới 100%.

Bà Phạm Châu Giang cũng khẳng định, mục đích của việc áp thuế chống bán phá giá không phải chỉ để bảo vệ sản xuất trong nước, mà quan trọng là để lập lại cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá nội địa.

Trước nhiều ý kiến lo ngại, mức thuế này sẽ làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm cuối cùng, đẩy giá bán lên cao và các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu, bà Phạm Châu Giang cho rằng: “Hành vi bán phá giá là khi nước ngoài cố tình nhằm mục tiêu xuất khẩu vào Việt Nam với giá bán thậm chí còn thấp hơn tại thị trường trong nước của họ.

Vì vậy, cơ quan điều tra các nước áp thuế chống bán phá giá để đưa về cạnh tranh công bằng. Hiện xuất khẩu thép vào Việt Nam có nhiều nước, nhưng trong vụ việc này chỉ có 4 nước và vùng lãnh thổ bị áp thuế chống bán phá giá, nên doanh nghiệp trong nước không muốn mua hàng hoá các nhà sản xuất trong nước, có thể nhập khẩu từ các nguồn khác mà không bị đánh thuế chống bán phá giá. Nên việc áp thuế này không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường hạ nguồn mà sử dụng sản phẩm thép đang bị điều tra áp thuế này”.

Từ ngày 5/10 tới, quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá này bắt đầu có hiệu lực. Để tránh ảnh hưởng và xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh đã thông tin với nhà sản xuất trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu trong nước.

Sau đó, lấy ý kiến của hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá gồm Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nàm (VCCI). Từ khi lấy ý kiến và ra kết luận cuối cùng là thời để doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh của mình./.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM