Thép không gỉ nhập khẩu (NK) vào Việt Nam từ 4 quốc gia đã "chính thức" bị áp thuế chống bán phá giá theo quyết định của Bộ Công Thương, với mức thuế cao nhất lên đến 37,29%, thấp nhất là gần 3,07%. Theo các cơ quan báo chí, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm NK. Điều đó có gì đặc biệt?
Không có nhiều người chú ý tới thực tế là vụ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ NK này được thực hiện từ hơn 1 năm trước, theo đơn kiện của hai doanh nghiệp. Đó là các Công ty Posco VST và Inox Hòa Bình - 2 DN được đánh giá là hiện nắm khoảng 80% thị trường inox (thép không gỉ) trong nước. Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam - về nguyên tắc là tổ chức nên đứng ra thực hiện việc kiện cho các DN trong ngành - thì lại im lặng trong vụ kiện chống bán phá giá này.
Doanh nghiệp kiện
Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã đưa ra 3 kết luận chính để làm căn cứ áp thuế chống bán phá giá với inox NK. Cụ thể, thứ nhất là có tình trạng bán phá giá inox NK vào Việt Nam. Thứ hai là có tình trạng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại vì sản phẩm NK (có bán phá giá) này. Thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá inox nhập vào Việt Nam với thiệt hại, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại, cho ngành sản xuất (inox) trong nước. Do thế, cần áp thuế chống bán phá giá để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành sản xuất inox và các ngành liên quan.
Tuy nhiên, ngay trong lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá đối với inox NK, thì bản thân ý kiến các DN trong nước chưa hẳn đã là đồng tình với các quyết dịnh này.
Từ cuối năm 2013, các DN sử dụng inox đã gửi đơn kiến nghị tới Chính phủ và Công thương, nội dung là kiến nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá inox NK theo đề nghị của Posco VST và Inox Hòa Bình.
Lý do vì giá inox sản xuất trong nước cao hơn từ 10 - 20% so với giá trên thị trường quốc tế. Thế nên các DN trong nước mới tăng cường NK để có thể hạ giá thành sản phẩm hơn nữa phục vụ người tiêu dùng. Và nếu bị áp thuế chống bán phá giá, thì đương nhiên giá inox nguyên liệu sẽ tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm inox tăng theo, làm thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước, trong khi chỉ bảo vệ được vài nhà sản xuất inox nguyên liệu chính của thị trường này.
Đáng chú ý, cãi vã này đã không được dàn xếp nội bộ giữa các DN trong ngành thép inox.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức lớn nhất về các vấn đề liên quan tới DN của Việt Nam - có hẳn website về "đề tài" chống bán phá giá. Đó là website chongbanphagia.vn. Theo thông tin trên website này, thì bản quyền website là thuộc VCCI, với "chứng nhận" cụ thể là Giấy phép số 39/GP-BVHTT do Bộ VHTT cấp từ ngày 29/1/2003.
Điều đó cho thấy là từ rất lâu, ít nhất thì tại Việt Nam, cũng đã có cơ quan chú ý tới vấn đề bán phá giá và chống bán phá giá trong hoạt động của DN. Website này cũng có hẳn một chuyên mục đặt tên là Vụ kiện, chuyên đăng tải chi tiết về các vụ kiện về các loại hàng hóa có liên quan tới Việt Nam, với 3 tiểu mục gồm vụ kiện Do Việt Nam khởi xướng, Hàng Việt Nam bị kiện, và Các tranh chấp trong WTO.
Yếu ớt tự thân
Tiểu mục Vụ kiện Do Việt Nam khởi xướng có 3 phần chính, gồm Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Biện pháp tự vệ. Chi tiết thế, nhưng tiểu mục Chống bán phá giá chỉ duy nhất có thông tin về việc inox NK mới bị áp thuế chống bán phá giá.
Sự nghèo nàn, thiếu thốn thông tin đáng ngạc nhiên này tương phản hoàn toàn với các lời kêu gọi, kêu ca, phàn nàn… xuất hiện dày đặc về sự lấn át của hàng ngoại nhập với sản phẩm Việt Nam sản xuất trên thị trường nội địa.
Nói cách khác, Việt Nam đang rất mâu thuẫn trong ý thức về sức ép của hàng ngoại nhập giá rẻ sẽ phá hoại sản xuất và thị trường trong nước, với việc áp dụng các biện pháp thực tế - chứ chưa cần nói tới có hiệu quả - để tự vệ.
Có 2 cách hiểu về thực tế này. Một là hệ thống quy định và bản thân các cơ quan chức năng của phía Việt Nam chưa có đủ khả năng chứng minh, xử lý đến nơi đến chốn các hành vi bán phá giá của các sản phẩm NK, cũng như hậu quả của hành vi ấy đối với thị trường và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, cách hiểu này dường như không vững chắc. Vì thực tế quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với inox NK cho thấy Việt Nam thừa khả năng về pháp lý và thực lực tiến hành các biện pháp điều tra, mức độ thu thuế để bảo vệ cho thị trường và sản xuất của mình.
Cách hiểu thứ hai là khả năng tự vệ của sản phẩm do DN Việt sản xuất hiện quá yếu. Đến mức không tự bảo vệ được trước các hành vi bán phá giá của sản phẩm ngoại nhập.
Cách hiểu này lại hoàn toàn sai. Vì thực tế, nhiều loại hàng hóa Việt Nam hiện có khả năng cạnh tranh khá tốt. Đến mức nhiều dòng sản phẩm đã bị kiện, và chịu các mức thuế chống bán phá giá của nước ngoài.
Danh sách các sản phẩm Việt Nam đang chịu mức thuế này hiện khá dài, trải từ thủy sản xuất khẩu, khăn giấy, các sản phẩm dệt may, da giày… tới các mặt hàng công nghệ như ống thép, ống dẫn dầu, đinh thép, thép mạ kẽm…
Những điều đó cho thấy, sự yếu kém trong nỗ lực chống bán phá giá của Việt Nam yếu ớt là chỉ do các cơ quan chức năng thiếu sự chú ý cho vấn đề này. Ngay trong vụ áp thuế chống bán phá giá inox NK lần này cũng là thực hiện theo yêu cầu của 1 - 2 DN, thay vì là của hiệp hội ngành.
Điều đó làm quyết định của Bộ Công Thương giống với kết quả một cuộc lobby chính sách, hơn là một quyết định công bằng, vì xã hội và vì DN. Những yếu ớt tự thân ấy giải thích vì sao, trong khi xuất khẩu rất thành công ra nước ngoài, thì Việt Nam lại rất yếu ớt trong bảo vệ thị trường nội địa.
Nguồn tin: Stockbiz