Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ: Tránh phá giá, gặp độc quyền?

Với mức thuế sơ bộ từ 6,45% đến 30,73% mà Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) vừa đưa ra trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, cả doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (NK) và người tiêu dùng trong nước đang đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại lớn do phải mua sản phẩm với giá cao từ một nhà cung cấp đang nắm đến hơn 80% thị phần là Công ty Posco VST.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước là chính đáng, song nếu không xem xét việc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan thì chuyện lợi dụng chính sách để làm lợi cho một nhóm lợi ích là điều không thể tránh khỏi.

Mất doanh thu, giảm việc làm

Chỉ có khoảng 20% sản phẩm thiết bị đồ gia dụng được sản xuất từ nguyên liệu inox, song với kết luận sơ bộ được VCA đưa ra vào ngày 3/12, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cũng đã nhìn thấy những tác động không nhỏ đến DN khi vừa phải mua nguyên liệu với giá cao, và hàng hóa cũng bị giảm sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse, cho biết: "Việc áp thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DN sử dụng inox, đặc biệt Sunhouse thường xuyên phải sử dụng inox để chế tạo ra sản phẩm gia dụng. Vì hiện DN sản xuất nguyên liệu inox trong nước chỉ nhập phôi về cán nguội chứ chưa chế tạo, nên chủng loại inox tạo ra chưa được phong phú và đáp ứng được hết nhu cầu nội địa. Nên nếu áp thuế CPBG thì giá thành đầu vào của DN sử dụng nguyên liệu này sẽ bị ảnh hưởng và đương nhiên giá sản phẩm sẽ không cạnh tranh, cơ hội xuất khẩu (XK) sẽ bị thu hẹp lại. Theo tính toán, với mức thuế được áp như trên thì giá thành sẽ bị tăng thêm từ 5 - 20%".

Đối với những DN hoàn toàn sử dụng nguyên liệu inox để sản xuất như Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Hà, thì đây là một "đòn" khá nặng. Theo ông Đàm Quang Hùng - Phó TGĐ, ngay từ khi có quyết định điều tra chính thức vào tháng 7, hoạt động sản xuất của Sơn Hà đã phải đối mặt với nhiều rủi ro trong kinh doanh do không thể tính toán được mức thuế sẽ áp và thời hạn là bao lâu. Do đó, Sơn Hà đã phải chuyển sang mua nguyên liệu của Posco VST với giá cao hơn khoảng 70 - 10 USD/tấn, làm cho giá thành tăng thêm khoảng 4 - 5%. Với một số mẫu nguyên liệu mà Posco VST không sản xuất được, Sơn Hà vẫn phải nhập với lượng rất "dè chừng", đã khiến cho hoạt động sản xuất của DN có lúc bị gián đoạn.

"Đơn cử như với nhóm hàng chậu rửa bát, Sơn Hà có hơn 20 chủng loại nhưng phải dừng mất 4 chủng loại do gặp vấn đề về nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Còn với thị trường XK, nếu áp thuế thì với lượng XK trung bình 800 tấn/tháng, Sơn Hà đã nhìn thấy khoản lỗ hàng triệu USD cho các đơn hàng đã nhận. Về lâu dài thì lượng XK sẽ giảm từ 30 - 40%", ông Hùng chia sẻ.

Còn nhiều nghi vấn

Không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu thép cán nguội không gỉ với mức giá cạnh tranh khi mà DN cung cấp trong nước là Posco VST - cũng là nguyên đơn của vụ việc, đang chiếm đến gần 80% thị phần, đưa ra giá cao hơn từ 10 - 20% so với thị trường quốc tế. Trong khi 4 nước/vùng lãnh thổ bị điều tra là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho DN Việt Nam với mức giá cạnh tranh và chất lượng tốt.

Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ thị trường thay thế hợp lý trong thời gian ngắn, theo các DN, là hoàn toàn không khả thi. Hệ lụy lâu dài là người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại do phải mua sản phẩm giá cao, DN thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Bày tỏ sự quan ngại trước kết luận sơ bộ về vụ việc, 18 DN chính trong ngành công nghiệp sản xuất inox đã có phản đối chính thức lên cơ quan điều tra và văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương để xem xét lại vụ việc.

Đại diện của 18 DN cũng cho rằng đây là vụ việc có nhiều điểm bất thường và quyết định sơ bộ cũng chưa xem xét đầy đủ ý kiến của các bên liên quan sẽ chịu tác động từ vụ việc. Thực tế, Posco VST là nguyên đơn khởi kiện, song DN này vẫn NK các mặt hàng thuộc đối tượng điều tra từ các công ty có liên quan vào thị trường Việt Nam (Trong khi theo quy định, trường hợp DN nguyên đơn có NK, mua sản phẩm thuộc đối tượng điều tra thì sẽ không đủ tư cách đứng nguyên đơn).

Hoặc với Inox Hoà Bình, hiện công ty này còn chưa chính thức sản xuất, nên không thể có căn cứ để xây dựng được cơ cấu giá thành và các tác động. Chưa kể, với 4 mã HS mà vụ kiện đang xem xét có đến 2.500 loại sản phẩm, nhưng Posco VST chỉ cung cấp được khoảng 30 - 40 chủng loại, nên việc áp thuế lại nhằm vào sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất với số lượng nhỏ. Điều đáng chú ý là có trường hợp, nguyên liệu mà các DN sản xuất mua từ Posco VST đã gặp những vấn đề rất lớn về chất lượng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Stockbiz

ĐỌC THÊM