Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Áp thuế chống phá giá inox: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép “Điều tra chống bán phá giá thép đã diễn ra gần 1 năm, các doanh nghiệp đã được cảnh báo và chắc chắn không có ai chịu ảnh hưởng cả”.

Trước lo ngại áp đặt thuế chống bán phá giá thép không gỉ (inox) đối với một số doanh nghiệp nước ngoài vừa được Bộ Công Thương chính thức ban hành sau 1 năm điều tra, sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) thép trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu thép để làm nguyên liệu sản xuất, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường khẳng định: "Không có doanh nghiệp Việt Nam nào chịu thiệt cả".

Ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép, người đã gắn bó với các DN từ ngày đầu khi có đề nghị và tranh luận áp đặt hay không nên áp đặt thuế chống bán phá giá của DN ngoại: “Điều tra chống bán phá giá thép đã diễn ra gần 1 năm, các DN Việt Nam đã được cảnh báo từ trước và chắc chắn không có DN Việt chịu ảnh hưởng cả”.

Theo ông, lệnh chống bán phá giá này có gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam?

Hoàn toàn không có cú sốc hay khó khăn nào cả bởi chúng ta đã tiến hành điều tra 1 năm và đã cảnh báo các DN trong nước về điều này. Họ phải chuyển hợp đồng nhập khẩu sang các DN khác, thị trường khác. Chính sách này áp dụng chỉ tác động đến việc thay đổi kế hoạch nhập khẩu của các DN mà thôi. Theo quan sát của tôi, các DN Thép đều có hợp đồng nhập khẩu trong vài tháng một, không có hợp đồng 1 năm hoặc trên 1 năm nên không có ảnh hưởng nào cả.

Các DN hoàn toàn có thể thay đối tác nhập khẩu ở Ấn Độ, Nga nếu không thích nhập các nguyên liệu từ các DN trong nước. Chúng ta đâu có áp đặt các DN nhập khẩu phải quay về với sản phẩm trong nước đâu. Đây là biện pháp tự vệ thông thường, phản ứng có lợi cho thị trường, cho ngành, cho nền kinh tế và phù hợp chuẩn mực quốc tế.

Khi bạn chơi xấu, hạ giá bán thấp kỉ lục nhằm “giết” DN sản xuất trong nước, các DN Việt Nam có quyền yêu cầu, kiến nghị bởi mức giá đó thì không thể đảm bảo hòa vốn, kể cả trong trường hợp DN đó có lợi thế kinh tế do sản xuất quy mô lớn. Đây là biện pháp hoàn toàn bình thường để DN Việt tự bảo vệ mình trước thói xấu của DN ngoại.

Một năm về trước, có nhiều ý kiến về “lợi ích nhóm” trong việc kêu gọi áp đặt lệnh chống bán phá giá từ 1 số nhà sản xuất thép nội địa, quan điểm của ông về vấn đề này?

Không hề có! Tôi là người chứng kiến từ đầu vấn đề nên tôi hiểu rất rõ việc này. Khi tôi còn làm ở Hiệp hội Thép, việc điều tra chống bán phá giá đã được Bộ Công Thương, cụ thể là cục Quản lý Cạnh Tranh đưa lên sau khi có kiến nghị của 1 số DN sản xuất thép trong nước về mức bán quá rẻ, thậm chí, mức “giá không tưởng” để có thể sản xuất được thép Inox.

Cuối năm 2013, 18 DN nhập khẩu inox để phục vụ sản xuất đệ đơn lên Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương về đề nghị điều tra chống bán phá giá của hai DN là Posco VST và Hòa Bình inox về các DN Trung Quốc, Đài Loan, Indonesi và Malaysia. Các DN này cho rằng, hai DN đệ đơn điều tra chiếm 81% thị trường cung ứng thép không gỉ trong nước nên tạo áp lực và phục vụ “lợi ích nhóm”.

Tuy nhiên, trong 1 thời gian điều tra và phối hợp với 1 nước thứ 3 để đối chiếu giá, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, các DN bị áp thuế chống bán phá giá lần này là “đúng người, đúng tội”. Các DN nhập khẩu từ các đối tác này nên chuyển đối tác nhập khẩu khác, không tiếp tay cho hoạt động phá họa thị trường của DN nước ngoài.

Một năm về trước, khi các cơ quan khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu, nhiều DN “nhảy cẫng” lên vì sẽ ảnh hưởng làm tăng chi phí đầu vào của họ. Tuy nhiên, với mức giá bán quá rẻ, phá hoại thị trường thì không thể chiều lòng các DN nhập khẩu để làm hại các DN sản xuất khác, đồng thời tạo điều kiện cho DN nước ngoài thống lĩnh “nhào nặn” thị trường được.

Đây là lần đầu tiên một ngành, lĩnh vực của Việt Nam áp đặt lệnh chống bán phá giá đối với DN nước ngoài trong khi nhiều ngành chúng ta hiện đã bị rất nhiều vụ kiện khác, theo ông, chúng ta cần chuẩn bị gì?

Để có thể điều tra và áp đặt chống bán phá giá, nước điều tra phải xây dựng rất nhiều chính sách về hàng rào kỹ thuật (TBT) và hàng rào về vệ sinh an toàn thực phẩm (SBS), nước thứ 3 so sánh giá… Trong bối cảnh nhiều ngành nghề của Việt Nam đang thiếu các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc thấp hơn so với các nước khác, thì sẽ rất khó để chúng ta áp đặt lệnh chống bán phá giá và cấm nhập nếu phát hiện các tồn dư chất bảo quản quá mức cho phép từ các nước đã xây dựng luật hoàn chỉnh hơn.

Hiện nay ngành may mặc, thủy hải sản và thực phẩm đang rất cần thiết lập thật chặt chẽ hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm bởi chúng ta vào WTO và tham gia nhiều hiệp định song phương, thuế suất bằng 0 thì các hàng xấu, hàng kém chất lượng phải được quản lý nghiêm ngặt theo chuẩn mực chung của thế giới.

Việc đi tiên phong trong áp đặt thuế chống bán phá giá trong ngành thép sẽ chỉ là 1 bước đi đầu tiên, giúp các DN trong nước hoạt động ở các lĩnh vực khác có thêm tự tin, bản lĩnh khi khiếu kiện lên Bộ Công Thương, các cơ quan của WTO để lấy lại sự công bằng. Tôi hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các DN nước ngoài lấy giá làm công cụ để “chơi” với DN Việt sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường.

Ngày 5/9/2014 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với 10 DN xuất khẩu thép không gỉ (inox) vào thị trường Việt Nam đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan. Theo đó, các DN này sẽ bị áp thuế từ 3.07% đến cao nhất là 37.29% và Quyết định có hiệu lực từ ngày 05/10/2014.

Nguồn tin: VietStock

ĐỌC THÊM