Lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.
Kể từ ngày 5/10, quyết định áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan sẽ chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh lợi ích giữa các doanh nghiệp, chuyên độc quyền hay bị các nước trả đũa...
Trao đổi với báo chí ngày 18/9, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) đã trả lời một số thắc mắc xung quanh vấn đề này.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cũng là lúc các nhà nhập khẩu lo ngại phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản khi nguyên liệu nhập vào tăng cao. Bà nhận xét như thế nào trước lo lắng này?
- Hành vi bán phá giá là khi nước ngoài cố tình nhằm mục tiêu xuất khẩu vào Việt Nam với giá bán thậm chí còn thấp hơn tại thị trường trong nước của họ.
Quyết định chống bán phá giá này sẽ giúp nhà sản xuất trong nước khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Rất nhiều ý kiến bày tỏ về việc các nhà nhập khẩu mặt hàng này sẽ chịu thiệt hại, bởi nguyên liệu nhập cao, giá thành tăng, giảm năng lực cạnh tranh.
Để giải quyết vấn đề này Bộ Công thương đã làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính đã ra quyết định thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng như thuế nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu để gia công chế xuất ra nước ngoài thì được miễn thuế áp chống bán phá giá.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cho sản xuất hàng hóa trong nước, chúng tôi thấy có rất nhiều nước xuất khẩu mặt hàng này, chứ không chỉ riêng 4 nước, lãnh thổ bị áp thuế. Nếu họ không muốn mua nguồn ở trong nước thì vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác.
Việc áp dụng chống thuế bán phá giá không phải để bảo hộ sản xuất trong nước mà là lập lại công bằng, khôi phục lại sản xuất.
Pháp luật về chống bán phá giá đã có ở Việt Nam 10 năm, chúng ta cũng đã chịu 100 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 50 vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng biện pháp này là tương đối muộn.
Như bà nói, 10 năm có công cụ phòng vệ thương mại về chống bán phá giá mà đến nay mới có vụ kiện đầu tiên. Nguyên nhân do doanh nghiệp Việt “ngại” kiện hay do từ phía cơ quan nhà nước?
- Quả thật là trong giai đoạn đầu tiên pháp lệnh chống bán phá giá ra đời, nhân lực còn mỏng, đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước còn quá trẻ, doanh nghiệp họ cũng chưa nhận thức nhiều về việc này.
Rồi nhiều khi các doanh nghiệp cứ nghĩ đến gặp cơ quan nhà nước là khó khăn, nhiêu khê. Thực tế chúng tôi chưa bao giờ từ chối doanh nghiêp.
Nhiều khi chúng tôi thông báo các bên liên quan, các doanh nghiệp đăng kí để có thể tiếp cận hồ sơ thì rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm, đăng kí. Nhưng khi có vấn đề thì muốn tiếp cận hồ sơ, tài liệu thì đã muộn. Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần khi chưa đụng đến quyền lợi trực tiếp thì chưa quan tâm đâu.
Thưa bà, một doanh nghiệp muốn khởi kiện các doanh nghiệp nước ngoài có hành vi bán phá giá tại Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
- Trong trường hợp thấy có dấu hiệu bán phá giá, doanh nghiệp hãy liên hệ trực tiếp với Cục quản lý cạnh tranh. Chúng tôi luôn sẵn sàng.
Các doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo từ khâu thu thập thông tin, thông qua các bạn hàng, doanh nghiệp tương tự, qua các kênh quản lý nhà nước, tự thu nhập trên thị trường. Để từ đó nhận định sơ bộ có yếu tố bán phá giá vào Việt Nam hay không, có thì là bao nhiêu.
Con số chi phí cho mỗi vụ kiện như thế này chắc chắn không hề nhỏ, thưa bà?
- Thực sự là Cục quản lý cạnh tranh không nắm rõ được chi phí cho một vụ kiện như thế này. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ khoản phí nào từ đầu cho đến cuối. Vì đây là trách nhiệm của chúng tôi.
Nhưng sẽ còn nhiều chi phí khác như thuê luật sư, không chỉ luật sư trong nước mà còn nước ngoài, phí điều tra... Những chi phí này tuy theo độ lớn của thị trường, quy mô vụ kiện. Các doanh nghiệp không tiết lộ nên chúng tôi không biết.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp thấy có dấu hiệu nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam thì nên kiện bởi chi phí đó chắc chắn sẽ nhỏ hơn số thiệt hại do việc bán phá giá gây nên. Áp thuế bán giá gía sẽ có hiệu lực trong 5 năm, các doanh nghiệp đủ time để tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không lo trả đũa, chỉ lo độc quyền!
Việt Nam sẽ phải đối phó thế nào trước nguy cơ bị trả đũa về kinh tế khi áp thuế nhất là với Trung Quốc thưa ông? Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tôi không nghĩ rằng sẽ có việc trả đũa. Việc sử dụng biện pháp chống bán phá giá là công cụ hợp lệ trong khuôn khổ WTO. Việc trả đũa muốn có cũng phải theo luật chơi, có căn cứ. Nếu hợp pháp thì Việt Nam phải tuân theo luật chơi. Việt Nam sẽ không phải lo lắng họ chơi xấu. Còn vấn đề độc quyền, doanh nghiệp có cơ sở để lo lắng điều này? - Việc áp thuế là một luật chơi trong thị trường và không phải với dụng ý gì xấu. Nếu có những doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có hành vi không lành mạnh như bán phá giá, các doanh nghiệp còn lại hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đòi lại công bằng. Việc áp thuế chống bán phá giá, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp sản trong nước nhưng sẽ bất lợi cho các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Lợi ích đan xen với nhau, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh đến lợi ích lâu dài đối với tất cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Việc áp dụng biện pháp này càng quan trọng khi thị trường nước nhà đang mở toang cánh cửa hội nhập. |
Nguồn tin: Biz live