Việc Bộ Công thương áp thuế bổ sung với phôi và thép dài nhập khẩu là tin vui cho một số doanh nghiệp nhưng lại khiến người tiêu thụ thép lo lắng do họ phải trả thêm tiền.
Việc áp thuế tạm thời để bảo vệ sản xuất trong nước là bình thường, được pháp luật cho phép nhưng thực tế đang diễn ra những bất thường gây phản cảm.
Thứ nhất là một số doanh nghiệp đã nhanh tay tăng giá bán thép dù đến ngày 23-3 mới áp thuế mới và nguồn cung thép vẫn vượt xa nhu cầu. Có doanh nghiệp nói giá tăng là do giá nguyên liệu tăng theo thế giới, nhưng có người nói đích danh là do áp thuế, do đầu cơ kiếm lợi.
Thứ hai là trong những tháng đầu năm, thép nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam như đón trước việc tăng thuế. Thứ ba là tình trạng xe tải ùn ùn kéo đến nhà máy rồi phải xếp hàng, chờ mới lấy được thép.
Với người tiêu dùng, trước mắt họ chỉ thấy doanh nghiệp lao vào mua rồi găm giữ thép để chờ giá lên hưởng lợi.
Mức thuế mới khá cao, hơn 14% với thép dài và 23% với phôi thép đang định ra mặt bằng giá thép mới trên thị trường trong nước. Khoản chênh lệch giá mà giới kinh doanh được hưởng đều từ túi của người tiêu dùng. Lâu lắm rồi, giới kinh doanh thép mới có cơ hội múa may giá để kiếm lợi.
Trước đây, chuyện này thường xảy ra nhưng sau đó đã “biệt tích” khi thép nhập khẩu tham gia thị trường trong nước, nhờ vậy người tiêu dùng cũng bớt mệt tim hơn.
Ngược lại, mục tiêu cao nhất của việc áp thuế là giúp ngành thép trong nước trụ lại thì đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong ngắn hạn và dài hạn để tận dụng những ngày bớt áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ để tổ chức lại sản xuất, kể cả hệ thống phân phối.
Cần nhớ rằng việc áp thuế chỉ là tạm thời, thời hạn là 200 ngày.
Từ lâu, những bất cập của ngành thép đã được chỉ ra: đó là loanh quanh với gia công (nhập phôi để cán ra thành phẩm mà ít đầu tư sản xuất khép kín, làm phôi thép từ quặng); dùng công nghệ lạc hậu hao tốn nhiều năng lượng nên chi phí sản xuất cao...
Việc tái diễn cảnh xếp hàng lấy thép, đầu cơ găm hàng cũng cho thấy hệ thống phân phối thép có vấn đề, phần lớn là mua đứt bán đoạn, ai giữ được hàng thì người đó tung hứng giá khi có điều kiện, gây bất lợi rất lớn cho người tiêu dùng.
Với hệ thống phân phối như thế thì việc tuồn vào đó thép nhập khẩu “đểu”, thép né thuế, để rồi dẫn đến tình trạng “gậy ông đập lưng ông”, hại sản xuất trong nước là lẽ đương nhiên.
Áp thuế cao, trước mắt nhiều doanh nghiệp thép sẽ được hưởng lợi, nhưng về lâu dài có cứu được ngành thép và quyền lợi của người tiêu dùng được đặt ở đâu là việc phải tính đến.
Không thể cứ trao cho ngành thép hết cơ hội này đến cơ hội khác. Bởi bảo hộ là con dao hai lưỡi. Việc áp thuế là để doanh nghiệp ngành thép có thêm thời gian sắp xếp lại sản xuất tốt hơn, chứ không nên xem đó là cơ hội để kiếm chác trên lưng người tiêu dùng.
Thiếu mất vế đầu, không thúc doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để điều chỉnh thì việc áp thuế sẽ không đạt được mục tiêu. Bài học bảo hộ ngành sản xuất và lắp ráp ôtô quá đắt, không thể lặp lại với ngành thép. Xã hội đang chờ xem sau áp thuế, tăng giá thép là còn gì nữa...?!
Nguồn tin: Tuổi trẻ