Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Áp thuế tự vệ thép, cơ hội cho doanh nghiệp vươn lên

Từ ngày 22/3, việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc áp thuế sẽ giúp thép trong nước có thêm thời gian và cơ hội tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc áp thuế vô tình đã khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất thép.

Nói về vấn đề này, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel (Thép Việt Úc) cho hay, trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu thì “nước lên thuyền lên” và “nước xuống thuyền cũng phải xuống”. Việc sản xuất phôi của các doanh nghiệp có hiệu quả khác nhau nên giá thành sản xuất cũng khác nhau.

Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

"Khi giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới giảm, những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và có lãi thì lợi nhuận sẽ thu hẹp lại. Còn doanh nghiệp kém hiệu quả thì “nước xuống” - giá xuống nhưng thuyền không xuống, tức là chi phí sản xuất không giảm xuống tương ứng, dẫn đến mắc cạn. Và thuế tự vệ là để cho “nước dâng lên” nhằm cứu những doanh nghiệp này", ông Vũ ví von.

Như vậy, sự kém hiệu quả của một số doanh nghiệp đã tạo ra hệ lụy làm cho người tiêu dùng chịu giá cao. Đồng thời, với các doanh nghiệp vốn dĩ làm ăn hiệu quả thì thuế nhập khẩu tăng làm cho lợi thế sẽ tăng gấp bội so với chính doanh nghiệp mình cũng như so với các doanh nghiệp khác. “Khi lợi thế cho một số doanh nghiệp tăng lên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng khiến các doanh nghiệp kém lợi thế hơn. Bởi trong môi trường này, doanh nghiệp có nhiều lợi thế có thể chèn ép những doanh nghiệp kém lợi thế hơn”, ông Phan Đào Vũ lo ngại.

Theo công ty Việt Úc, đơn vị này chủ yếu sản xuất các mặt hàng thép xây dựng, nguồn phôi thép lâu nay doanh nghiệp mua ở trong nước là chính, còn nhập khẩu rất ít. Thế nhưng, ông Phan Đào Vũ cũng cho rằng, ngay khi mới ở giai đoạn kiện tự vệ thôi thì giá phôi thép đã tăng ngay lập tức. Hiện nay phôi thép đã tăng khoảng 18%, từ 7 triệu đồng/tấn lên khoảng 8,3 triệu đồng/tấn. Điều này đã làm cho người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn.

"Câu chuyện này phải nói sòng phẳng, khi bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập, thì cái đích của hoạt động thương mại tự do là thuế về 0%. Trong điều kiện khó khăn, những doanh nghiệp linh hoạt sẽ biết điều chỉnh chiến lược sao cho hiệu quả, đừng vì sự kém hiệu quả của một số doanh nghiệp trong nước mà làm cho yếu tố hội nhập bị tác động, dẫn đến doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng không được hưởng lợi thế có được từ hội nhập, từ toàn cầu hóa", ông Vũ nói.

Cũng theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam, thời gian qua giá thép nguyên liệu nhập khẩu rất thấp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thép tự chủ về phôi trong nước. Với khối lượng nhập khẩu lớn, giá thấp, nhiều đơn vị trong ngành phải bán dưới giá thành, giảm công suất, thậm chí phải dừng sản xuất. Do đó, khi áp thuế sẽ giúp các đơn vị có thể tăng sản lượng tiêu thụ.

Vị này cũng cho biết, trước đây, thị trường bị bóp méo vì giá thấp (chủ yếu là thép giá rẻ nhập từ Trung Quốc), nên khi áp thuế thì giá bán ra thị trường sẽ cao lên và được quyết định bởi cung cầu. Theo đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam, mỗi chính sách đưa ra đều có mặt tích cực và tiêu cực, ảnh hưởng khác nhau với đối tượng khác nhau. Về thực tế, biện pháp tự vệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn là các doanh nghiệp thương mại. Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đã nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao về quản trị, tìm mọi cách cắt giảm giá thành, để có được năng lực cạnh tranh tốt nhất trong hội nhập.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp thép đang hưởng lợi từ thuế tự vệ cho biết, trong xu thế hội nhập, khi tham gia sân chơi chung việc gỡ bỏ hàng rào thuế là không tránh khỏi. Thực tế 200 ngày áp thuế tự vệ tạm thời và sau đó có thể có thêm thời gian áp thuế chính thức là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, từ đó có chiến lược cụ thể để tái cấu trúc, nâng cao quản trị, cắt giảm giá thành để có sức cạnh tranh tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phôi và thép dài trong nước cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội, giữ giá bán hợp lý, ổn định thị phần mỗi doanh nghiệp, ổn định thị trường nội địa. Tiếp tục hợp tác với cơ quan nhà nước và văn phòng hiệp hội đáp ứng các yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu, số liệu sản xuất - kinh doanh v.v nhằm đánh giá tổng thể vụ việc để có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần lấy khoảng thời gian này làm cơ hội cải tổ sản xuất, tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, vào đầu tháng 4/2016 này, bộ sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để làm rõ cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Theo đó, chứng cứ và cơ sở lập luận của các bên liên quan đối với vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo cuối cùng của vụ việc.

Bộ Công Thương bảo đảm sẽ phân tích, đánh giá tất cả các ý kiến bình luận liên quan đến vụ việc dựa trên quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra báo cáo cuối cùng trên cơ sở khách quan, có tính đến lợi ích kinh tế xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.

Nguồn tin: Công lý

ĐỌC THÊM