Trong khi một số doanh nghiệp sản xuất thép “hả hê” trước việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu thì người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lại không đồng tình với động thái này.
“Áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu”, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Tổng giám đốc CTCP Ống thép Việt - Đức, ông Nguyễn Ngọc Bảo bình luận.
Lần đầu tiên Việt Nam áp thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu. Ông bình luận thế nào về sự kiện này?
Thuế phòng vệ thương mại có 3 loại, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ. Trong quan hệ thương mại, các nước đều sử dụng thuế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước nếu thấy mặt hàng nhập khẩu nào đó bán phá giá hay trợ cấp, đe dọa tới sự bình đẳng trong cạnh tranh, đe dọa tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Và trong mọi trường hợp không được vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà quốc gia đó tham gia.
Vì vậy, tôi khẳng định, Việt Nam có quyền sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với bất cứ loại hàng hóa nhập khẩu nào ảnh hưởng xấu tới sản xuất trong nước khi có bằng chứng chứng minh hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu kể từ ngày 23/3/2016 thì tôi lại không đồng tình.
Trước những cáo buộc cho rằng thép nhập khẩu từ Trung Quốc không được sử dụng đúng mục đích, cố tình gian lận thương mại để hưởng thuế suất nhập khẩu của phôi thép hợp kim là 0%, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến các nhà sản xuất thép chân chính trong nước, ngày 23/3/2016, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế suất tương ứng là 23% và 14,2%.
Việc áp thuế tự vệ nếu đúng thì rất đáng hoan nghênh, nhưng trên thực tế, theo tôi, dường như có sự nhầm lẫn ở đây. Nếu thép nhập khẩu có hành vi gian lận thương mại thì phải xử theo các quy định về gian lận thương mại, chứ không nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để xử lý đối với hành vi gian lận thương mại.
Nhưng dù sao thì việc áp thuế tự vệ cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ doanh nghiệp sản xuất thép?
Chỉ có một số nhà sản xuất thép hưởng ứng tích cực thôi, số còn lại thì không. Đặc biệt, người tiêu dùng phản ứng rất tiêu cực vì giá thép xây dựng tăng thêm 2-3 triệu đồng/tấn. Giá vật liệu xây dựng tăng, giá thành xây dựng tăng, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế cũng như chi ngân sách nhà nước; làm đảo lộn thị trường thép xây dựng; đảo lộn cả kế hoạch mua nhà, sửa chữa, cải tạo nhà ở của người dân cũng như các công trình xây dựng dân sinh.
Ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
Nhà nước đồng thời là nhà đầu tư cho xây dựng nhiều nhất, khi giá thép tăng sẽ kéo theo đầu tư xây dựng cơ bản tăng, chi ngân sách tăng. Với những công trình xây dựng dở dang, công trình đã được phê duyệt dự toán, khi giá thép xây dựng tăng không biết xoay sở thế nào vì chi phí cho sắt thép thường chiếm khoảng 30% tổng giá thành xây dựng.
Phải lưu ý là, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,46% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây (năm 2011 tăng 0,35%; năm 2012 tăng 1,18%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,93%; năm 2015 tăng 5,6%). Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,43% cũng là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây (năm 2012 tăng 0,75%; năm 2013 tăng 1,73%; năm 2014 tăng 2,38%; năm 2015 tăng 2,55%). Khi giá thép xây dựng tăng sẽ tác động ngay tới lĩnh vực xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản. Và kết quả tác động thế nào đến tăng trưởng GDP năm nay chắc không khó dự báo, vì tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang giảm tốc, còn tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì giảm 1,23% trong quý I/2016.
Ý ông muốn nói rằng việc áp thuế tự vệ vừa qua của Bộ Công Thương là sai?
Tôi không phân tích đúng - sai trước việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Nhưng chỉ muốn nói rằng, bất cứ chính sách nào, kể cả thuế thì mục tiêu chính vẫn là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, chứ không phục vụ cho bất cứ nhóm lợi ích nào. Nếu căn cứ vào các tiêu chí này thì việc áp thuế tự vệ thương mại với mặt hàng thép không đạt được.
Nguồn tin: Đấu thầu