Khi đề cập về sự khác biệt văn hóa trong khối ASEAN, người ta thường nói tới “sức mạnh trong sự đa dạng”. Điều này cũng chính xác đối với nền kinh tế, khi đa dạng chính là một trong những thế mạnh nổi trội của cộng đồng kinh tế này.
Đa dạng giúp tăng trưởng bền vững
Mặc dù đã trải qua nhiều thập kỷ hòa nhập thương mại, với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), báo hiệu tạo ra một khu vực kinh tế hợp nhất và năng động cạnh tranh với thị trường châu Âu, nhưng khu vực này vẫn giữ được nét đa dạng riêng. Hơn nữa, sự đa dạng trong hoạt động nội vùng của các nền kinh tế sẽ giúp tăng trưởng bền vững hơn trong năm 2018, cho phép thắt chặt chính sách tài khóa tại các thị trường như Malaysia và Singapore (điều thực sự đã diễn ra) mà chúng ta sẽ bàn thêm bên dưới.
Tuy nhiên, trong dài hạn, hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ là cách tốt nhất để nâng cao tính đa dạng kinh tế trong khu vực ASEAN, cũng như để chuẩn bị cho những thách lớn đến từ cạnh tranh khốc liệt trong ngành sản xuất từ Trung Quốc. Giữ vị trí nước chủ tịch ASEAN, Singapore đang ở vị thế tốt nhất giúp thúc đẩy quá trình này diễn ra vào năm 2018.
Chúng ta hãy nhìn vào các yếu tố hiện tại đang góp phần vào tăng trưởng. Bắt đầu với hàng điện tử. Các nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam ở mức độ nào đó đều gắn liền với chuỗi cung ứng điện tử của châu Á, từ việc sản xuất vi mạch tại Singapore đến lắp ráp thành phẩm cuối cùng tại Việt Nam.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với các linh kiện điện tử gia dụng đã tạo lực đẩy phát triển chuỗi cung ứng bán thành phẩm tại ASEAN, trong khi năng lực sản xuất tại Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể, bằng chứng là thị trường này trở thành đối tác lắp ráp đáng tin cậy của các nhà sản xuất Hàn Quốc. Có thể kể tới việc LG vừa thành lập nhà máy tại Hải Phòng nhằm sản xuất màn hình OLED cho các khách hàng Trung Quốc và Samsung cũng đã có nhà máy gần Hà Nội thực hiện lắp ráp 50% sản lượng điện thoại của doanh nghiệp.
Kế đến là thị trường hàng hóa. Thị trường này được kích thích tăng trưởng trong năm nay nhờ vào nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chứng kiến sự hồi phục đầu tư mạnh mẽ, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Điều này nói lên rằng, nếu các hoạt động xây dựng của Trung Quốc đóng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP, xuất khẩu hàng hóa của ASEAN có thể hơi ảm đạm. Nhưng cũng lưu ý rằng, hàng hóa của ASEAN đang giảm dần vị trí quan trọng trong xuất khẩu cũng như đối với tăng trưởng nói chung.
Lấy ví dụ, Malaysia đang đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp hạ nguồn như lọc, hóa dầu để đón đầu sản lượng dầu khí giảm sâu hơn nữa và Indonesia tiếp tục hỗ trợ việc tăng giá trị cộng thêm trong ngành khai khoáng trong nước. Đối với xuất khẩu các sản phẩm thô chiếm sản lượng lớn nhất tại ASEAN như dầu cọ và than - nhu cầu cần thể hiện sự ổn định.
Xuất khẩu than của Indonesia vào Trung Quốc đã và đang khởi sắc nhờ vào sự ưa chuộng của Trung Quốc đối với than lưu huỳnh thấp của quần đảo này nhằm sử dụng trong sản xuất điện. Trong khi đó, nhu cầu về dầu cọ - lĩnh vực mà Indonesia và Malaysia chiếm phần lớn thị trường với 80% lượng sản xuất trên toàn cầu - được kỳ vọng tiếp tục tăng cùng với tăng trưởng dân số nhanh tại Ấn Độ và châu Phi.
Câu chuyện tiêu dùng dường như sẽ được duy trì khá lạc quan tại ASEAN khi tăng trưởng dân số mạnh mẽ và các chính sách vĩ mô hiệu quả trong dài hạn. Trong ngắn hạn, có thể các cuộc bầu cử sẽ có ảnh hưởng. Cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia vào năm 2018 có thể sẽ thúc đẩy chi tiêu đối với các tiêu dùng trọng yếu.
Khoảng 90 triệu người dân Indonesia sẽ tham gia bầu cử tổng thống vào tháng 6/2019 và các chiến dịch tranh cử diễn ra vào tháng 4/2019 được kỳ vọng sẽ khởi động vào tháng 10/2018.
Với phần lớn sản lượng của khối ASEAN tập trung ở khu vực dịch vụ, việc đẩy mạnh tăng trưởng cho khu vực này mang ý nghĩa quan trọng cho triển vọng của thị trường lao động. Chỉ tăng trưởng sản xuất sẽ không đủ hỗ trợ cho thị trường lao động - điều này lý giải tại sao số liệu xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi tình hình tiêu thụ tư nhân ảm đạm trong hơn một năm qua, đặc biệt tại Thái Lan và Singapore.
Lấy Singapore làm ví dụ: Sản xuất chất bán dẫn đóng góp gần một nửa tăng trưởng GDP trong năm 2017, trong khi ngành này chỉ sử dụng ít hơn 2% lượng lao động. Do đó, sẽ không khó hiểu khi sự hồi phục của tiêu dùng tư nhân bị bỏ xa so với tốc độ tăng trưởng nhanh của xuất khẩu.
Sau chi tiêu và xuất khẩu, chúng ta tìm hiểu về đầu tư. Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là yếu tố đẩy mạnh tăng trưởng tại ASEAN. Đáng chú ý, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đã trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy triển vọng đầu tư nói chung, cụ thể tại Philippines, Indonesia và Thái Lan. Hầu hết các hoạt động này được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách nhà nước, tuy nhiên, tại các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nguồn ngân sách chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bị hạn chế.
Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Con đường và Vành đai, đôi khi bị bỏ qua với quan điểm cho rằng, sáng kiến này chỉ có ý nghĩa chính trị, nhưng có thể mang đến một ảnh hưởng cụ thể lên các nền kinh tế ASEAN trong vòng 5 năm tới, đặc biệt đối với Malaysia, Indonesia và Philippines.
Tại mỗi quốc gia này, chúng tôi đánh giá có các dự án với giá trị khoảng 10% GDP đang hình thành - và chúng tôi tự tin rằng, nhiều trong số các dự án này, đặc biệt là các tuyến đường sắt, nhà máy sản xuất năng lượng và các tiện nghi cảng biển, cuối cùng sẽ được hiện thực hóa do mang tính chiến lược đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, những dự án này không thuộc các dự án viện trợ hay đầu tư cổ phần, thay vào đó, những dự án này phần lớn được tài trợ qua các công cụ nợ, được thi công bởi các nhà thầu Trung Quốc với mức độ nhập khẩu nguyên vật liệu cao. Do ASEAN đang đối mặt với khoảng thiếu hụt đáng kể cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án này vẫn được xem là một bước tiến được chào đón.
Nhìn chung, khi nhu cầu trong nước tăng cao hơn nữa trong thời gian sắp tới, thị trường lao động cần ổn định hơn. Và các nền kinh tế ổn định sẽ giúp các ngân hàng trung ương thêm tự tin khi giảm dần các chính sách kích thích tài khóa.
Thật vậy, các ngân hàng trung ương tại Malaysia, Singapore đã thắt chặt các chính sách tiền tệ và dự báo, ngân hàng trung ương tại Philippines cũng sẽ có hành động tương tự trong quý II. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng việc thắt chặt của các ngân hàng trung ương tại ASEAN sẽ diễn ra từng bước một.
Sau cùng, mặc dù có biến động về lạm phát toàn phần khi giá dầu tăng cao hơn, nhưng các loại giá cơ bản được giữ khá ổn định. Điều này khiến nền kinh tế không cần các động thái can thiệp quyết liệt, ngay cả khi có ba đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Thách thức trong tương lai
Về những thách thức trong tương lai, từ góc độ cạnh tranh, mặc dù giữ một vai trò quan trọng trong việc tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, cải cách công nghiệp của Trung Quốc sẽ là thách thức đối với các chuỗi cung ứng công nghiệp và điện tử truyền thống của ASEAN.
Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư 150 tỷ USD của Trung Quốc cho việc sản xuất chất bán dẫn nhằm đáp ứng sự thiếu hụt lớn chất bán dẫn tại thị trường này sẽ gây khó khăn cho các thị trường ASEAN đang phụ thuộc vào nhu cầu vi mạch điện tử từ Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu những việc cần làm để duy trì sức mạnh cạnh tranh của ASEAN, cụ thể trong ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao.
Về hội nhập ASEAN, quy mô nhỏ của các nền kinh tế ASEAN cho thấy, các doanh nghiệp cần duy trì nhiều trung tâm sản xuất tại các thị trường khác nhau trong khu vực và việc giảm sâu hơn các rào cản đối với hoạt động giao thương về dịch vụ và đầu tư có thể giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Như vậy, với mô hình hội nhập sẵn có, các nước thành viên cần kiên định với các mục tiêu đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng thực tiễn AEC.
Cụ thể hơn, chúng tôi hy vọng tiếp tục chứng kiến những bước phát triển mới trong việc hội nhập khối ngân hàng, cùng với việc giảm sâu hơn các hàng rào phi thuế quan, từ đó có thể giảm bớt các rào cản, cũng như chi phí hoạt động cho doanh nghiệp hoạt động tại khối ASEAN. Để đạt được điều này, khi Singapore đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN, chúng tôi tin rằng, những nhà lãnh đạo đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, hội nhập kinh tế hiệu quả thông qua thực hiện các mục tiêu AEC là vấn đề hàng đầu và ASEAN đang thực sự mở cửa đón nhận các cơ hội kinh doanh.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán