Hội nghị kéo dài hai ngày (4 và 5-10), tham gia sẽ có Ủy ban châu Âu, Ban Thư ký Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), 48 nước từ châu Âu, châu Á. Hội nghị sẽ chính thức chào mừng các thành viên mới là Nga, Úc và New Zealand; được coi là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) trong hai ngày 11 và 12-11 tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao sẽ đại diện Việt Nam tham dự hội nghị theo lời mời của Thủ tướng Bỉ Yves Leterme và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.
Nội dung chủ đạo sẽ được bàn trong hai ngày hội nghị là các vấn đề liên quan đến kinh tế: Quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại các bên, phát triển kinh tế bền vững …
14 năm qua, kể từ khi ASEM thành lập, kinh tế thế giới đã trải qua nhiều thay đổi cơ bản. Kinh tế các nước, đặc biệt các nước châu Á đi lên, tăng trưởng vượt bậc và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua là phép thử rõ ràng nhất.
Biếm họa của Mike Keefe trên báo THE DENVER POST (Mỹ)(Chữ trong ảnh: Europe = Châu Âu. Economic Recovery = Hồi phục kinh tế)
Không giống nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị bầm dập nhiều vì khủng hoảng kinh tế và hiện đang chật vật với các khoản nợ công khổng lồ, quá trình hồi phục kinh tế của các nước châu Á sau khủng hoảng diễn ra nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn.
Đầu tháng 10, Giám đốc Trung tâm Chính sách kinh tế, chính trị quốc tế của châu Âu (Bỉ) Fredrik Erixon nhận định chính cuộc khủng hoảng này đã đẩy sức mạnh kinh tế từ phương Tây chuyển sang phương Đông.
Chuyên gia kinh tế quốc tế Shada Islam tại Trung tâm Chính sách châu Âu (Bỉ) cho rằng EU cần nhìn nhận khách quan hơn về sức tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á, cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược về vai trò của châu Á trong việc phát triển kinh tế toàn cầu.
Hiện kinh tế châu Âu và châu Á đã có nhiều biến chuyển so với thực trạng năm 2008 khi hội nghị ASEM được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), lúc cả thế giới đang trong trung tâm của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong những năm gần đây, dù bị khủng hoảng kinh tế tác động mạnh, hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước châu Âu và châu Á phát triển rất nhanh. EU trở thành thị trường hàng đầu của nhiều nước châu Á, đặc biệt của Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhân hội nghị này, EU sẽ tìm cơ hội thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại hai châu lục, làm nhanh hơn quá trình hồi phục kinh tế châu Âu.
Để cố gắng tranh thủ thị trường châu Á, bên lề hội nghị ASEM, EU sẽ có các buổi thương lượng thương mại tự do với Malaysia, sẽ ký một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc trong cuộc gặp song phương ngày 6-9. Rồi vào cuối năm, EU cũng sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Ấn Độ.
Cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng sẽ là nội dung chính các đại biểu quan tâm. Trước khi diễn ra hội nghị, ngày 30-9, các bộ trưởng Tài chính EU cho biết sẵn sàng nhường thêm hai ghế trong ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế cho hai đại diện từ các nước châu Á. Điều này cho thấy vị thế, uy tín của châu Á đã được nâng tầm rõ.
Các vấn đề mang tầm vóc toàn cầu và khu vực như hợp tác bảo đảm an ninh, hòa bình thế giới, đảm bảo nhân quyền, giải trừ vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, xã hội giữa hai châu cũng sẽ được thảo luận trong khuôn khổ ASEM 8.
Theo báo Mainichi (Nhật) ngày 2-10 dẫn một nguồn tin thân cận Thủ tướng Nhật Naoto Kan, Thủ tướng Naoto Kan đang tìm kiếm một cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị cấp cao Á-Âu 8 (ASEM 8) tại thủ đô Brussels (Bỉ). Chính phủ Nhật đã chính thức gửi đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Naoto Kan và Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào chiều 4-10 tại Brussels với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, không thấy động thái trả lời từ phía Trung Quốc và chưa biết cuộc gặp có diễn ra không. |
Nguồn: Xinhua, Euobserver, Bernama