Hội nghị thượng định châu Âu – Trung Quốc là cơ hội tuyệt vời để Bắc Kinh tận dụng mâu thuẫn Âu – Mỹ.
Bắc Kinh đang ở trong một vị thế vô cùng thuận lợi để có thể tận dụng một cách tối đa những “lệch pha” chính sách giữa châu Âu và Washington trong các vấn đề chủ chốt như khí hậu, thương mại và quốc phòng.
Hình thành trục quyền lực mới châu Âu – Trung Quốc?
Điều này có lẽ thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những người đồng cấp đến từ châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên châu Âu – Trung Quốc, diễn ra vào thứ Năm (01/6). Không lâu sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump được kỳ vọng sẽ chính thức thông báo quyết định có rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay không.
“Nếu hòa bình và thịnh vượng là mục tiêu của trật tự kinh tế toàn cầu, chính quyền Tổng thống Trump không đem đến điều này cho châu Âu,” các nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu High Frequency Economics nhận định. “Một trục quyền lực mới, dựa trên sức mạnh kinh tế sẽ được thành lập giữa châu Âu và Trung Quốc, nếu Mỹ tiếp tục thu hẹp vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.”
Bắc Kinh dường như không thể đợi được viễn cảnh trên trở thành hiện thực khi quyết định đẩy sớm hội nghị thượng đỉnh với châu Âu lên tháng Sáu.
Tuy nhiên, một mối quan hệ thực sự gần gũi hơn giữa hai cường quốc kinh tế không dễ như những gì được kỳ vọng. Những câu hỏi lớn về sự tương thích của các hệ thống kinh tế vận hành trong châu Âu với Trung Quốc - mới chỉ là một phần trong hàng loạt trở ngại mà hai bên sẽ phải vượt qua trên con đường trở thành những đồng minh thân cận.
Cả châu Âu và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng trước thái độ của Tổng thống Trump về thương mại. Trong khi Washington “úp mở” những đe dọa về chủ nghĩa bảo hộ, Brussels và Bắc Kinh lại nhiệt thành ủng hộ thương mại tự do. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc và châu Âu đều đang ngồi trên cùng một con thuyền.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ví mình như một người bảo hộ cho toàn cầu hóa trong một bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế toàn cầu. Một trong những hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong năm, mang tên “Một vành đai, một con đường” cũng vừa được tổ chức thành công tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của ông Tập.
Tuy nhiên, chính sáng kiến nhằm thúc đẩy thương mại của Trung Quốc, đã khuấy lên sự cảnh giác từ châu Âu, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu khối này không tham dự sự kiện tại Bắc Kinh.
“Thương mại phải dịch chuyển theo cả hai hướng, khiến các tuyến đường thương mại mới có thể thực hiện được về mặt kinh tế và được chấp nhận về mặt chính trị tại các quốc gia mà nó đi qua,” Jorge Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc phân tích trên tờ Financial Times. Ông tiết lộ, cứ mỗi năm chuyến tàu chất đầy hàng hóa rời Trùng Khánh đến Đức hàng tuần, chỉ có một chuyến mang theo hàng hóa quay trở lại.
Sức mạnh “người mua” Trung Quốc đối với các công ty châu Âu
Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của EU đó là việc ngày càng có nhiều các công ty châu Âu bị “thôn tính” bởi người Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của Rhodium Group và Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước châu Âu tăng 77%, đạt 35 tỷ USD – tăng 5 lần so với năm 2013. Đối lập lại, đầu tư trực tiếp từ EU vào Trung Quốc năm thứ tư liên tiếp tuột dốc, tiếp tục giảm 8 tỷ USD năm 2016 .
Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu tăng mạnh
Việc đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đặc biệt hướng tới các ngành công nghệ và chế tạo kỹ thuật cao, đã khiến một số nước, như Đức e ngại sẽ “đánh mất” nền công nghiệp công nghệ quan trọng vào tay các doanh nhân Trung Quốc.
Mối lo lắng này càng trở nên nghiêm trọng bởi vì Trung Quốc lại không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư ở mức độ tương đương, vào các lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế nước này.
Trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh châu Âu – Trung Quốc, các doanh nghiệp châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh “thực hiện những gì đã nói” về toàn cầu hóa, bằng cách nới lỏng các cấm đoán đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành công nghiệp.
Hồi đầu năm, Phòng thương mại châu Âu đã chỉ trích Bắc Kinh vì chiến lược phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc như robot và ô tô điện.
Tranh chấp thương mại tồn tại song song với hợp tác
Bắc Kinh và EU cũng có không ít lần “đụng độ” liên quan đến thương mại. Gần đây nhất là vào tháng Năm, châu Âu đã tăng mức thuế chống phá giá mới lên các sản phẩm ống thép và sắt của Trung Quốc. Đây chỉ là một trong nhiều biện pháp tương tự được áp dụng trong những năm gần đây.
Âu, Mỹ “lệch pha”: Trung Quốc “ngư ông đắc lợi”? - ảnh 3
Thép Trung Quốc bị châu Âu áp mức thuế chống phá giá hồi tháng Năm
Các công ty Trung Quốc – rất nhiều trong số đó thuộc sở hữu của Nhà nước – bị cáo buộc đã áp mức giá thép cực kỳ rẻ mạt tại các thị trường nước ngoài, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ trong nước đang ngày càng chậm lại.
Trong khi đó, một trong những mục tiêu của Bắc Kinh là giữ cho các nhà máy thép hoạt động hết công suất bởi vì đây là nguồn thu nhập của hàng triệu người dân nước này. Đương nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đứng trước làn sóng phản đối của các liên đoàn lao động và chính trị gia từ các trung tâm công nghiệp châu Âu như Đức, Bỉ, Italy…
Những điểm chung trong biến đổi khí hậu
Bất chấp những bất đồng, có nhiều lĩnh vực mà cả châu Âu và Trung Quốc vẫn có thể tìm được những điểm chung. Một trong số đó là biến đổi khí hậu.
Tờ Financial Times cho biết, hôm thứ Tư, Bắc Kinh và Brussels đã đồng ý trước thềm hội nghị thượng đỉnh rằng, cả hai bên sẽ đẩy mạnh việc giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch – vẫn thường được nhắc đến như một quá trình “không thể tránh được” trong tiến hóa của nhân loại.
Cùng lúc đó, quyết định được đự đoán trước của Tổng thống Donald Trump – rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris rất có thể sẽ tạo bối cảnh tốt để hợp tác châu Âu và Trung Quốc ngày một tăng cường.
“Đây là nền tảng cho một loạt các thay đổi trong quyền lực toàn cầu,” các nhà phân tích của High Frequency Economics cảnh báo. “Hãy cẩn thận”.
Nguồn tin: Tổ quốc