Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ba nhân tố định đoạt số phận ngành thép thế giới

Ngành thép thế giới đang trong giai đoạn khó khăn khi phải giảm mạnh quy mô sản xuất và hoàn toàn dựa vào chương trình phát triển kinh tế của Trung Quốc, luồng tín dụng mới dành cho các dự án xây dựng lớn ở Trung Đông hoặc sự hồi sinh của ngành ô tô Mỹ.

Nhu cầu thép đang giảm mạnh khiến các hãng sản xuất thép, đặc biệt là tập đoàn lớn nhất thế giới là ArcelorMittal, phải giảm bớt công suất luyện thép dư thừa trong khi chờ đợi luồng tín dụng chảy trở lại, việc triển khai các dự án xây dựng và các nhà máy đi vào sản xuất. Quyết định của ArcelorMittal hồi tuần trước nhằm theo đuổi chương trình tạm thời thu hẹp công suất hoạt động, giảm bớt hơn 50% sản lượng tại châu Âu kể từ cuối tháng 4/09, càng bi kịch hoá hướng đi bất thường và vai trò của ngành thép trong những năm qua. Chỉ trong vài tháng, ngành thép toàn cầu đã đi từ phát triển bùng nổ, chủ yếu nhờ động lực từ Trung Quốc, các thị trường đang nổi và làn sóng phát triển bất động sản chóng mặt ở Trung Đông, tới tình trạng dư thừa công suất và chi phí quá lớn cho việc chờ đợi một sự phục hồi trở lại.

Trong nghiên cứu công bố hồi tuần trước, các nhà phân tích thuộc Barclays Capital cho biết trong 6 tháng qua, nhu cầu thép đã giảm mạnh, và hệ quả là các nhà sản xuất đang phải cắt giảm sản lượng. Trong một báo cáo khác, Morgan Stanley dự báo cú sốc nhu cầu hiện nay sẽ dẫn tới việc dư thừa công suất, và các nhà máy sản xuất thép sẽ hoạt động chưa tới 75% công suất cho đến tận năm 2012.

Nhà phân tích hàng hoá Perrine Faye thuộc công ty FastMarkets -có trụ sở tại Luân Đôn- cho biết thị trường thép không khác biệt nhiều so với toàn bộ thị trường kim loại cơ bản, nhưng kim loại này xem ra phản ứng có phần nhanh hơn và đột ngột hơn kể từ tháng 9/08. Bà cho rằng tương lai của ngành thép phụ thuộc vào 3 nhân tố, đó là tác động của những biện pháp kích thích phát triển kinh tế của Trung Quốc, sự gia tăng trong hoạt động xây dựng ở Trung Đông và sự sống sót của ngành ô tô từng một thời phát triển hùng mạnh của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc năm ngoái đã công bố gói giải pháp trị giá 4.000 tỷ NDT (580 tỷ USD), mà theo họ có thể đóng góp từ 1,5 đến 1,9% cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành luôn tỏ rõ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Tổng giám đốc hãng sản xuất thép Rio Tinto, Thomas Albanese, hồi đầu năm nay cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể song chỉ trong thời gian ngắn, với nhu cầu sẽ dần phục hồi trở lại trong năm 2009, do các điều kiện cơ bản cho sự tăng trưởng kinh tế ở nước này vẫn tốt.

Giới phân tích cho biết lượng thép tồn kho tại Trung Quốc đang có chiều hướng suy giảm, giữa những dự báo rằng các dự án xây dựng sẽ được triển khai trong gói kích thích kinh tế lớn của chính phủ. Frank Gong, một nhà kinh tế của JPMorgan ở Hồng Công, cho rằng việc lượng sản phẩm thép trong kho, nhất là các sản phẩm có kết cấu dài, sử dụng chủ yếu trong các dự án xây dựng, đã bắt đầu giảm đáng kể từ cuối tháng 3/09, có thể cho thấy nhu cầu tiêu dùng bắt đầu lấy đà tăng trở lại. Theo ông Grong, những bằng chứng hiện nay cho thấy ngành thép Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ trở lại trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng chững trong tháng 3, trong bối cảnh các dự án cơ sở hạ tầng lớn dự kiến sẽ được triển khai trong quý II/09.

Tại Trung Đông, theo bà Faye, vấn đề lớn là sự thiếu hụt nguồn tín dụng, nhất là nguồn vốn vay dành cho các công ty xây dựng và phát triển bất động sản. Các nhà lập kế hoạch xây dựng ở đây dựa vào mức giá dầu cao hơn và tín dụng để cấp vốn cho các dự án lớn của họ. Thêm vào đó, nhu cầu đối với bất động sản, nhất là tại Vùng Vịnh, đã không còn. Bà Faye nói: "Họ hy vọng người Mỹ và châu Âu sẽ tới mua căn hộ. Nhưng giá bất động sản tại Trung Đông cũng đã giảm mạnh". Theo nghiên cứu tiến hành hồi tháng 2/09 của công ty nghiên cứu thị trường Proleads -có trụ sở tại Đubai, tại Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), hơn 50% các dự án xây dựng trị giá 5,822 tỷ USD, tương đương 45% tổng giá trị ngành xây dựng, đã bị gác lại. Morgan Stanley cho biết tại Đubai -một trong các tiểu vương quốc của UAE, giá bất động sản đã giảm trung bình 25% kể từ mức đỉnh hồi tháng 9/08 sau khi tăng 79% trong vòng 18 tháng đến tháng 7/08.

Ngoài ra, bà Faye cho biết số phận của ngành thép thế giới còn gắn với sự sống còn của ngành ô tô Mỹ. Vốn là một thị trường tiêu thụ thép lớn, nhưng ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đang phải vật lộn với những khó khăn nghiêm trọng, khiến chính phủ nước này phải tung ra các khoản cứu trợ khổng lồ hòng cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, bất chấp các khoản vay này, 2 đại gia ô tô của Mỹ là General Motors và Chrysler vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản, và điều chắc chắn là khi xảy ra sẽ tác động lớn tới các nhà sản xuất thép.

(VietStock )

ĐỌC THÊM