Sức tiêu dùng nội địa tăng, người lao động đổ tới những thành phố nhỏ, chủ trương từ bỏ việc sản xuất hàng chất lượng thấp của giới doanh nghiệp là xu thế mới của kinh tế Trung Quốc.
Khi nỗi lo sợ về suy thoái kép bắt đầu phai nhạt thì các công ty một lần nữa lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường tiềm năng. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ về Trung Quốc và các thị trường mới nổi như Brazil hay Ấn Độ ngày càng tăng.
Trung Quốc hiện nay không chỉ là “công xưởng của thế giới”. Trong tháng 3, thu nhập tăng đã khiến lượng hàng người dân ở đây mua từ khắp nơi trên thế giới nhiều hơn so với lượng hàng thế giới mua của họ, khiến lần đầu tiên sau nhiều năm Trung Quốc thâm hụt thương mại với mức 7,24 tỷ USD. Nước này trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới với hơn 13,6 triệu chiếc được bán ra năm 2009 so với chỉ hơn 10 triệu chiếc ở Mỹ. Trung Quốc cũng đang là thị trường tiêu thụ các xa xỉ phẩm lớn thứ hai thế giới với 7,5 tỷ USD được chi hàng năm.
Bên cạnh việc tăng tiêu dùng nội địa, có 2 xu thế lớn sẽ phát triển ở Trung Quốc trong vòng 5 năm tới mà các lãnh đạo cấp cao trên thế giới cần lưu tâm.
Đầu tiên là thay đổi trong vấn đề lao động. Thay vì đi đến các trung tâm sản xuất lớn ở phía nam hoặc các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh hay Thượng Hải, giới trẻ Trung Quốc đang đổ về các thành phố hạng hai hay hạng ba như Vũ Hán, Hợp Phì hay Thẩm Dương, nơi mà họ có thể tìm được những công việc văn phòng tốt mà lại gần nhà.
Phần lớn tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua được tạo ra bởi hàng trăm triệu công nhân tay nghề thấp - những người sẵn sàng rời bỏ nhà cửa hàng tháng trời để đến các nhà máy ở phía nam Trung Quốc và làm ra các các sản phẩm giá rẻ cho các công ty như Nike và Apple với mức lương thấp. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Hiện nay Quảng Đông đang thiếu hụt một lượng lớn lao động. Trong khi đó, giới trẻ Trung Quốc lại không muốn làm việc trong các nhà máy vừa xa nhà lại vừa không có cơ hội thăng tiến. Và với số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều như hiện nay - tăng từ một đến 6 triệu mỗi năm trong thập kỷ qua - thì việc tìm lao động trẻ sẵn sàng làm việc xa nhà trong các nhà máy với mức lương thấp càng trở nên khó khăn hơn.
Giá nhà đất cao ngất ngưởng ở Bắc Kinh hay Thượng Hải cũng khiến những nhân viên văn phòng trẻ tuổi về các thành phố hạng hai như Hàng Châu hay Nam Kinh – nơi có chất lượng cuộc sống cao và việc khởi nghiệp cũng hấp dẫn hơn, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao.
Ảnh minh họa của chinadigitaltimes.net. |
Rất nhiều công ty đang di chuyển đến những nơi mà chi phí hoạt động kinh doanh rẻ hơn và tập trung nhiều lao động hơn. Điều đó có nghĩa là những công việc béo bở đòi hỏi tay nghề cao cũng không còn ở những thành phố lớn nữa. Tháng 10/2009, Applied Materials mở trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới ở Tây An. Intel cũng đã rời rất nhiều các cơ sở kinh doanh của họ ra khỏi Thượng Hải để đến các thành phố như Thành Đô và Đại Liên. Chính các trung tâm này và các thành phố hạng ba, hạng tư ở quanh là nơi mà thu nhập đang tăng lên rất nhanh và nhiều cơ hội mới được mở ra cho các công ty muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Một xu thế nữa đang diễn ra ở Trung Quốc là sự nâng cấp chất lượng cũng như khả năng sản xuất của các nhà máy. Rất nhiều chủ nhà máy Trung Quốc đang tìm để họ không chỉ đơn giản là sản xuất linh kiện cho các hãng lớn nữa mà sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu riêng, giống như các công ty máy tính Đài Loan là Acer và Asustek đã làm.
Khi nguồn lao động giá rẻ trở nên khan hiếm và nỗi lo sợ đồng nhân dân tệ tăng giá, các nhà máy ở Trung Quốc đang phải trang bị lại để trở nên tự động hóa hơn. Các công ty đều nhận thấy rằng việc làm chủ thương hiệu riêng sẽ mang lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn là nhận gia công cho các hãng lớn. Thương hiệu riêng cũng cho phép họ bán sản phẩm vào thị trường nội địa vốn đang phát triển rất nhanh.
Phản ứng dữ dội của người tiêu dùng Mỹ và Châu Âu (thậm chí cả người dân Trung Quốc) đối với hàng hóa kém chất lượng ở đây buộc các nhà máy phải cải thiện hệ thống giám sát và quản lý chất lượng. Những cải tiến đó đã đạt đến một mức độ mà ngay cả các công ty của Đức vốn nổi tiếng vì yêu cầu sự hoàn hảo cũng bắt đầu di chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm cao cấp tới Trung Quốc. Điều này giải thích một phần lý do tại sao năm ngoái Trung Quốc thay thế Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
(Businesweek)