Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Bác" đề nghị giảm thuế giải cứu ngành than

 Việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một số đơn vị cần được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.

Tại công văn gửi Bộ Công Thương về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được công văn 77/QN-TKV ngày 1/9 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam TKV về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành thanh đề nghị giải pháp giảm thuế tài nguyên môi trường đối với mặt hàng than.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, về giải pháp giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than. Hiện nay mức thuế tài nguyên đối với mặt hàng than là 10% và 12% quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 về Biểu mức thuế suất tài nguyên có hiệu lực thi hành từ 1/7 vừa qua.

“Việc xem xét sửa đổi biểu thuế xuất đối với tài nguyên thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì mức thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết trên vừa mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết đánh giá", công văn do Thứ trưởng Mai ký cho biết.

Cũng tại công văn này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một số đơn vị cần được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, qua trao đổi với TKV, TKV cho biết, hiện tập đoàn này có sản lượng khai thác hàng năm của 3 mỏ lớn Vàng Danh, Uông Bí, Năm Mẫu với 8,5 triệu tấn than, trong đó hơn 3 triệu tấn than là chất lượng cao, tương đương 35%, trong nước ít có nhu cầu sử dụng.

Hiện, giá than nhập thấp hơn giá bán trong nước, nên các nhà máy điện, xi măng giảm lượng mua từ TKV nên lượng tồn kho tăng trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho từ năm 2017 - 2020 chỉ 2 triệu tấn/năm.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai doạn 2017 - 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 - 4 triệu tấn/năm, cần nêu rõ chủng loại than được phép xuất khẩu để đảm bảo giữ chủng loại than cần cho nhu cầu trong nước.

"Đây là giải pháp khả thi hơn so với phương án giảm thuế xuất bởi vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng vừa không thay đổi thu ngân sách", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/9, tổng lượng nhập khẩu than đá đạt 10,1 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Như vậy nhập khẩu than hiện đã “vỡ kế hoạch” 7 triệu tấn so mốc dự báo 3,1 triệu tấn do Bộ Công Thương đưa ra đầu năm 2016.

Số liệu từ tổng cục Hải quan cũng cho biết, những thị trường cung ứng than lớn cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay gồm: Úc (3 triệu tấn), Nga (2,8 triệu tấn), Indonesia (1,8 triệu tấn) và Trung Quốc (1,4 triêu tấn).

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM