- Sự bùng nổ các dự án FDI tỷ đô vào ngành thép vẫn tiếp diễn trong nửa đầu năm nay mặc cho suy giảm kinh tế và khủng hoảng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại không lấy gì làm mặn mà lắm. Hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành thép nhưng nhiều trong số đó đang án binh bất động và thậm chí, nằm ngoài quy hoạch.
Đầu voi đuôi chuột
“Tin hot” gần đây nhất là đã có luồng dư luận cho rằng, nhiều khả năng, dự án khổng lồ gần 10 tỷ USD - khu liên hợp thép Cà Ná tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận sẽ bị rút giấy phép đầu tư. Đây cũng là dự án FDI có qui mô vốn lớn nhất từ trước tới nay.
Dự án là “sản phẩm” liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashine (30% vốn) và Tập đoàn Lion Group - Diverssifie Holding Behard (70% vốn) của Malaysia. Dự án này sẽ chia làm 4 giai đoạn, hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, giai đoạn I, năm 2008-2010, dự án sẽ xây dựng nhà máy có công suất là 4,5 triệu tấn/năm.
Sản xuất thép luôn kéo theo hệ luỵ ô nhiễm môi trường. (ảnh:innoxvietxo) |
Tuy nhiên, kể từ khi động thổ ngày 23/11/2008 đến nay, dự án vẫn nằm yên. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải yêu cầu chủ đầu tư Lion Group báo cáo ngay tiến độ triển khai dự án và nhấn mạnh, Lion Group phải khẳng định lại khả năng tham gia dự án, nhất là trong trường hợp Chính phủ không bảo lãnh tín dụng cho dự án này. Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo UBND tỉnh này cũng chưa biết khi nào sẽ nhận được báo cáo tiến độ của Lion Group.
Trường hợp “nhùng nhằng” từ phía nhà đầu tư nước ngoài như vậy không phải là lần đầu tiên mới xảy ra.
Chỉ cách đây không lâu, đó là việc rút tên khỏi dự án của Tập đoàn ESSAR Steel, Ấn Độ tại dự án 527 triệu USD, xây dựng nhà máy thép cán nóng liên doanh giữa tập đoàn này (65% vốn) với Tổng Công ty Thép Việt Nam (20% vốn) và Tổng Công ty Cao su Việt Nam (15% vốn).
Vào thời điểm cấp phép, tháng 3/2007, dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu để có thể khởi công vào cuối năm 2007. Vậy nhưng, đáng tiếc là việc vay vốn ngân hàng của ESSAR bị trục trặc nên dự án đã không động thổ được.
Năm 2008, đối tác này đã đề nghị tạm dừng triển khai dự án để nhượng bớt phần vốn pháp định cho đối tác khác. Đến nay, tập đoàn đã phải xin rút tên ra khỏi dự án và nếu như 2 tổng công ty của Việt Nam không xoay xở được thì dĩ nhiên, dự án cũng có nguy cơ bị huỷ bỏ.
Tuy nhiên, điển hình nhất cho cảnh đầu voi đuôi chuột này phải kể đến là dự án liên hợp thép Tycoon - E.United ở Dung Quất, Quảng Ngãi.
Được cấp phép vào tháng 9/2006 với tổng vốn 1,2 tỷ USD, dự án này đã gây xôn xao dư luận và khởi động cho một chuỗi các dự án FDI “tỷ đô” ồ ạt vào Việt Nam sau đó. Thời điểm đó, việc xuất hiện dự án FDI có vốn tới hơn 1 tỷ USD được coi là hàng “khủng”.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhà máy có công suất 5 triệu tấn/năm. Vào năm đó, nhiều người đã đặt dấu hỏi về tính hiện thực của dự án khi mà dự án có suất đầu tư quá nhỏ nếu tính cho 1 tấn công suất.
Thực tế, thời gian 3 năm qua cũng đã chứng minh cho sự hoài nghi ấy. Nhà máy thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy sự thay đổi như chong chóng của phía các nhà đầu tư.
Ban đầu, chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn Tycoon (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc). Chỉ sau gần 1 năm, Jinnan đã rút tên khỏi dự án và thay vào đó là Công ty E-United của Đài Loan với tỷ lệ góp vốn là 90%. Tycoon chỉ còn góp 10% vốn, đồng thời, nâng vốn đăng ký đầu tư lên 3 tỷ USD.
Do nhiều sức ép, dự án đã động thổ từ tháng 10/2007 nhưng đến nay, vẫn chưa có thêm tiến triển gì. Điều kỳ lạ là dự án này vẫn chưa bị chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng “tuýt còi”, nhắc nhở vì sự triển khai ì ạch như thép Cà Ná.
Mù mờ chủ đầu tư
Mặc dù, nguyên nhân cơ bản vẫn là do chủ đầu tư nước ngoài không thu xếp được vấn đề tài chính song tình trạng “treo” các dự án trên là hệ quả của việc cấp phép dễ dãi tại các địa phương. Việc thẩm định năng lực chủ đầu tư của chính quyền cấp tỉnh là có vấn đề.
Việt Nam sẽ bội thực về thép. (ảnh: VNN) |
Ông Nguyễn Tiến Nghi nói: “Cơ chế phân cấp toàn quyền cho địa phương trong cấp phép dự án FDI có ưu điểm là rút ngắn thời gian cấp phép nhưng thực tế, cán bộ tỉnh lại không nắm sâu về công nghệ ngành thép cũng như có điều kiện hiểu biết về chủ đầu tư".
Nhìn nhận về các chủ đầu tư FDI trên, Tiến sĩ Nghiêm Gia, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã cho biết, nhiều nhà đầu tư không có năng lực cả về vốn, về công nghệ hay kinh nghiệm sản xuất thép.
Ví dụ, Tycoon chỉ có một số nhà máy nhỏ ở Đài Loan và Thái Lan sản xuất thép lá cuộn chứ không sở hữu công nghệ sản xuất gang và thép tấm lá. Công ty Jinnan chỉ có 1 nhà máy cán nóng và cán nguội mới sản xuất từ năm 2006.
Samoa Qian Ding Group của Đài Loan, chủ đầu tư dự án luyện cán thép không rỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD đã phải vay nợ ngay ở giai đoạn lập FS. Sau 1 thời gian dài không triển khai, năm 2008, tỉnh đã rút giấy phép đầu tư dự án này.
Tuy nhiên, rút giấy phép đầu tư chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Hệ luỵ xảy ra là phía Việt Nam phải gánh chịu.
Mỗi dự án liên hợp thép đã chiếm ít nhất từ 1000-3000ha đất, chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Khi dự án bị kéo dài thì đồng nghĩa, một diện tích đất lớn đó đã bị chiếm dụng trong nhiều năm, lãng phí hiệu quả kinh tế có thể thu được trên mảnh đất đó.
Mỗi dự án treo như vậy cũng đã làm lỡ mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác đủ năng lực hơn và lỡ cả cơ hội có được lợi nhuận nếu như dự án đúng tiến độ. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân đã phải “nhường mặt bằng” cho những dự án này.
Liệu rằng, tới đây, sẽ còn những dự án FDI đầu voi đuôi chuột như vậy nữa không? Lời hứa của các nhà đầu tư FDI cần được soát xét kỹ càng hơn và việc cấp phép tràn lan của chính quyền địa phương cũng cần được nghiêm khắc xử lý.
Chưa kể, các chuyên gia ngành thép đã phải khuyến cáo tới Chính phủ về sự bùng nổ đầu tư ngoài mong muốn này. Bội thực nhu cầu chỉ là một vấn đề mà điều đáng lưu tâm hơn là, thép vốn là ngành công nghiệp đặc biệt ô nhiễm môi trường và chi phí xử lý ô nhiễm là rất đắt. Mở rộng cửa FDI vào thép thì tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hệ luỵ về môi trường.
Ngành thép vốn đã bị bội thực khi tổng công suất đã lên gấp 5-6 lần so với nhu cầu, 32 dự án nằm ngoài quy hoạch. Tháng 4, Thủ tướng đã ra chỉ đạo tạm ngừng cấp phép các dự án thép. Vậy nhưng, 2 tháng qua, 2 dự án thép “tỷ đô” vẫn tiếp tục được phê duyệt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là dự án thép cán nguội của Tập đoàn China Steel, Trung Quốc và Sumitomo Metal của Nhật Bản vốn 1,2 tỷ USD và một dự án thép 1,2 tỷ USD của nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, Tập đoàn JPE của Nhật Bản cũng đang xin chủ trương đầu tư nhà máy liên hợp thép tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng vốn đăng ký là 5 tỷ USD. Nếu được chấp thuận thì Dung Quất sẽ có tới 2 nhà máy liên hợp thép lớn. Công ty FRRO China cũng dự kiến xin đầu tư dự án tới 10 triệu tấn thép cao cấp, tổng vốn đầu tư là 5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, con số 10 triệu tấn này là không tưởng đối với thị trường thép Việt Nam và công ty này cũng không có tên trong danh danh các nhà sản xuất thép lớn của Trung Quốc. |