Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bài 1: Kinh tế tư nhân: Một trong những động lực của nền kinh tế

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả của  20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Trong quá trình xây dựng dự thảo Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số mô hình phát triển thuộc các thành phần kinh tế và thực tế đã khẳng định tính ưu việt của mô hình kinh tế này.

Bài 1: Kinh tế tư nhân: Một trong những động lực của nền kinh tế

Xã Bảo Ninh anh hùng được nhiều người biết đến qua bài thơ nổi tiếng của Nhà thơ Tố Hữu “Mẹ Suốt”. Bảo Ninh nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Mảnh đất “chang chang cồn cát” và đầy vết tích của chiến tranh xưa nay đã mang dáng vẻ của một đô thị hiện đại với rất nhiều nhà cao tầng. Đồng chí Trương Hồng Song, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng vươn khơi đánh bắt xa bờ, mở rộng dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó kinh tế tư nhân thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế trong xã, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Đến nay cả xã đã có gần hai chục doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH; hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Chúng tôi đã đến thăm mô hình doanh nghiệp nuôi tôm và chăn nuôi lợn rừng, đà điểu, nhím đạt hiệu quả kinh tế cao của Công ty TNHH Hưng Biển trên địa bàn xã Bảo Ninh do đảng viên cựu chiến binh Trần Vĩnh Dũng làm giám đốc. Công ty có một chi bộ do chính đồng chí giám đốc làm bí thư. Nghe đồng chí giám đốc công ty giới thiệu, chúng tôi thật bất ngờ bởi cơ ngơi trị giá hàng trăm tỷ đồng của anh được đặt trên vùng đất mà gần chục năm trước chỉ toàn cát trắng và cỏ dại. Với ý chí quyết tâm của người chiến sĩ, được sự giúp đỡ của đồng đội cũ, ngân hàng và cấp ủy, chính quyền địa phương, cựu chiến binh Trần Vĩnh Dũng đã mạnh dạn làm những việc mà trước đó chưa ai dám làm là đào ao nuôi tôm trên cát, đưa lợn rừng, nhím rừng về nuôi ở xứ biển… Mô hình chăn nuôi đặc biệt của anh Dũng đã phát huy hiệu quả cao. Dự kiến năm 2010 này, lợi nhuận thu được hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn ba chục lao động của xã Bảo Ninh. 

 Đoàn công tác của Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XI khảo sát mô hình kinh tế tư nhân tại Công ty TNHH Hưng Biển (tỉnh Quảng Bình) Đoàn công tác của Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XI khảo sát mô hình kinh tế tư nhân tại Công ty TNHH Hưng Biển (tỉnh Quảng Bình) Đoàn công tác của Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XI khảo sát mô hình kinh tế tư nhân tại Công ty TNHH Hưng Biển (tỉnh Quảng Bình)

 

Ea Chà Rang là một trong những xã khó khăn nhất của huyện miền núi Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Đại đa số đồng bào trong xã thuộc dân tộc Chăm H’roi. Mấy năm gần đây, nhờ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình mà số hộ nghèo trong xã đã giảm đáng kể, số hộ khá giả tăng dần. Chúng tôi đã tới thăm trang trại của ông Ka Sô Liễng ở buôn Kiến Thiết. Trên diện tích 18.400m2, ông Ka Sô Liễng bố trí hợp lý, ở nơi thấp nhất là ao thả cá đồng thời là nơi dự trữ nước. Phần đất cao hơn, ông trồng cây ăn quả như xoài, mít, chanh, bơ, mận… Diện tích đất khô cằn, ông trồng 1.200 cây xà cừ, 600 cây điều, 50 cây gió bầu, 30 cây huỳnh đàn… Trang trại của ông Ka Sô Liễng mỗi năm thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng.

Tới huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), chúng tôi thực sự ngạc nhiên và thích thú bởi vẻ đẹp xanh tươi của những cù lao trù phú, bởi hoa thơm, trái ngọt. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết: Kinh tế hộ gia đình ở đây đã có sự phát triển rất nhanh. Từ trồng cây trái, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang chế biến và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã tới thăm gia đình ông nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Sỹ Hồng ở ấp Hòa Thịnh, xã Ngũ Hiệp. Ông Hồng có hơn 5 héc-ta trồng sầu riêng đặc sản và mít Thái Lan. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà vườn của anh Hồng luôn tươi tốt, cây ra trái quanh năm. Sản phẩm từ kinh tế vườn của gia đình anh mỗi năm thu được xấp xỉ một tỷ đồng. Ông Hồng nói với chúng tôi: “Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cây trái Ngũ Hiệp đã vươn ra tận nước ngoài.”

Có thể nói trong mấy năm gần đây, nhất là sau khi có Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã có sự bứt phá. Nhiều quy định của pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý, môi trường thể chế và tâm lý xã hội tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt, 3 năm qua, trong điều kiện nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng khá.  Số doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005.

Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, bên cạnh những thành quả quan trọng, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân có nơi vẫn chưa đầy đủ và còn thiếu nhất quán. So với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được tháo gỡ kịp thời. Ông Nguyễn Văn Đệ, Tổng giám đốc Công ty Hợp Lực (Thanh Hóa), cho biết nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn mở rộng sản xuất kinh doanh đang vướng mắc nhiều cản ngại, bị phân biệt đối xử, đặc biệt là trong đấu thầu. Một số cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn, phức tạp. Kinh tế tư nhân phát triển còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún…

Để kinh tế tư nhân xứng đáng “là một trong những động lực của nền kinh tế”, cần phải tiếp tục cụ thể đường lối chủ trương của Đảng vào các văn bản quy phạm  pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, kiến nghị cần thay đổi tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp. Nguồn tiền của Nhà nước thu được từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thay vì đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả, cần tập trung đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thông qua đó, các doanh nghiệp mọi thành phần, không kể tư nhân hay Nhà nước, có thể giảm chi phí, đổi mới công nghệ vươn lên cạnh tranh tầm quốc tế.

Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá để góp phần phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, hộ sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong nông nghiệp và khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

“Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển.”,  Trích Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

 

Nguồn: QĐND

ĐỌC THÊM