Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 nên cũng là cơ hội cuối cùng để đạt các mục tiêu của chiến lược.
Với mục tiêu quan trọng hàng đầu là tăng gấp hai lần quy mô GDP sau 10 năm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 phải đạt tối thiểu 6,5% như Nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Rõ ràng đây là mục tiêu không đơn giản khi bối cảnh quốc tế chưa hoàn toàn thuận lợi và nhân tố tăng trưởng kinh tế không có thay đổi cơ bản sau một thập kỷ.
Trên con đường gập ghềnh đó, "cỗ xe" kinh tế Việt Nam vẫn dựa trên những động lực truyền thống là:
1) Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng đầu tư với tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội tăng liên tục từ mức một phần ba GDP cuối thế kỷ 20 lên hơn 40% GDP mấy năm gần đây, theo đó, hiệu quả đầu tư tổng thể giảm mạnh thể hiện qua hệ số ICOR tăng cao.
2) Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế chậm nên mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu chiến lược nhưng hầu như không có thay đổi về chất trong tăng trưởng, hơn nữa, đáng lo ngại là không thể tạo tiền đề đột phá tăng trưởng ở mức cao hơn.
3) Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong khi chuyển dịch cơ cấu hàng hóa và thị trường xuất khẩu hạn chế. Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng sản phẩm khai khoáng và thô vẫn chiếm ưu thế trong khi nhóm hàng công nghiệp nhẹ vẫn chủ yếu là gia công tận dụng lao động giản đơn giá rẻ có giá trị gia tăng thấp... Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng chậm thay đổi nên mặc dù tổng kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa còn rất hạn chế. Nhập khẩu máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, tăng năng suất và chất lượng chỉ chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch nhập khẩu trong khi nhập khẩu nguyên nhiên liệu chiếm tới hai phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu...
4) Ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Mức độ lạm phát (thể hiện qua CPI) giai đoạn 2001-2010 thấp hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nếu lạm phát giai đoạn 1991-2000 có xu hướng giảm đều đặn thì từ năm 2001 lạm phát lại có xu hướng tăng. Quan trọng hơn, CPI của những hàng hóa dịch vụ thiết yếu lại tăng cao hơn CPI chung nên đã tác động trực tiếp tới thu nhập thực tế và mức sống của đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Kiểm soát lạm phát trở thành trọng tâm trong ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nhiều năm qua, song gần đây việc duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đang nổi lên nhiều vấn đề, ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế không gian điều hành chính sách. Nổi bật là thâm hụt cán cân thương mại. Tuy xuất khẩu có những tiến bộ vượt bậc về kim ngạch, nhưng do những hạn chế về cơ cấu, mô hình phát triển xuất khẩu và hạn chế trong kiểm soát nhập khẩu nên nhập siêu đã kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế - xã hội.
Mục tiêu kiểm soát nhập khẩu để đẩy thâm hụt thương mại xuống dưới mức 10% GDP và dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu là rất cấp thiết để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo tiền đề và động lực để cơ cấu lại nền kinh tế, rút ngắn thời gian tiến tới cân bằng cán cân thương mại.
Thâm hụt thương mại là yếu tố quyết định gây thâm hụt cán cân vãng lai nặng nề trong những năm gần đây, kéo theo thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể. Bên cạnh thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách Nhà nước kéo dài trong nhiều năm cũng làm tăng thêm những rủi ro cho nền kinh tế, cả rủi ro tăng trưởng và mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Tóm lại, để bảo đảm đến năm 2020, Việt Nam có một nền kinh tế có quy mô tương xứng với dân số khoảng 100 triệu người và cơ cấu phù hợp với một nước công nghiệp thì ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ thường xuyên, duy trì các cân đối vĩ mô được coi là nhiệm vụ trung hạn và cơ cấu lại nền kinh tế thuộc nhiệm vụ trung, dài hạn.
Những lựa chọn chính sách của Việt Nam trước mắt trong năm 2010 và các năm tiếp theo đều cần nhằm thực hiện ba nhóm nhiệm vụ chiến lược nêu trên./
STOC