Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bài 1: Ngành thép trong mớ bòng bong?

Thép, một trong những ngành "ngốn" ngoại tệ và có tỷ lệ nhập siêu cao bởi nguyên liệu, thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng mạnh qua từng năm.

Với tốc độ phát triển khá cao, những năm gần đây nhu cầu thép trở nên đa dạng. Ngành công nghiệp thép đã có bước tăng trưởng cao hơn dự kiến, nhưng nếu tính đến nhu cầu hiện tại và những dự án thép đã và đang xây dựng, sẽ thấy rõ những vấn đề cần điều chỉnh để phát triển bền vững.

Mớ bòng bong

Sản xuất thép trong nước mới ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và tập trung cho công đoạn sản xuất ở hạ nguồn, nhập phôi để cán nguội sản phẩm. Vì vậy, số lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam (VN) tăng mạnh theo từng năm. Năm 2004, VN nhập khẩu 154.800 tấn thép cuộn, năm 2009 tăng lên 496.000 tấn, theo số liệu Hải quan.

Mức nhập siêu tăng quá nhanh, vượt xa so với định hướng kế hoạch 2001 – 2010 của Chính phủ. Thực tế, hàng loạt giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong ngắn hạn đã được ban hành như hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... nhưng chuyển biến chưa nhiều. Giải bài toán nhập siêu là vấn đề hóc búa và dài hạn, vì vậy rất cần một giải pháp tổng thể với những lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.

Thép trở thành ngành tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ, tỷ lệ nhập siêu cao. Đặc biệt, sau sự tăng đột biến về xuất khẩu thép vào năm 2008, đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD, chủ yếu là tái xuất nguyên liệu phôi thép và thép cán nóng, xuất khẩu của VN năm 2009 đã sụt giảm đáng kể cả về kim ngạch và số lượng. Tổng lượng thép xuất khẩu của VN năm 2009 chỉ đạt trên 571.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 444,4 triệu USD, trong đó, mặt hàng chính là thép xây dựng chỉ đạt trên 114.000 tấn, bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép VN, sản lượng phôi thép năm 2009 chỉ đạt khoảng 50% công suất. Mỗi năm, VN vẫn phải nhập khoảng 45% phôi và 80% thép phế liệu. Năm 2010, tỷ lệ này có giảm song DN vẫn phải nhập khoảng 40% phôi thép và 70% thép phế liệu. Hiện, năng lực sản xuất của các sản phẩm thép hiện nay đã vượt xa nhu cầu trong nước nhưng theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp Hội thép VN, “sản lượng mới chỉ đạt 50% công suất, cao nhất là sản lượng thép xây dựng, song cũng chỉ đạt khoảng 67%”.

Doanh nghiệp thép đang cùng lúc phải đối mặt với vấn đề giá nguyên liệu tăng cao và sức ép lớn về tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam. Giá phôi nguyên liệu trên thế giới hiện tương đối ổn định ở mức 600 USD/tấn, giá phế liệu ở mức 415 USD/tấn. Thói quen sử dụng chủ yếu đồng USD cho nhập khẩu nguyên liệu khiến giá thép xây dựng trong nước phụ thuộc nhiều vào tỷ giá đồng USD bởi phôi thép chiếm tỷ lệ 93% đến 94% giá thành phẩm. Chỉ trong 2 tháng gần đây, biến động tỷ giá USD đã nâng chi phí đầu vào của sản xuất thép xây dựng lên khoảng 600.000 đồng/tấn. Cũng từ tháng 10 đến nay, sau 4 lần tăng giá bán để bù cho chi phí sản xuất, giá thép xây dựng đang ở mức 13.200.000 đồng tăng lên 13.850.000 đồng/tấn.

Sau 2 năm triển khai phân cấp cho địa phương được quyền cấp giấy phép đầu tư các dự án thép, Quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bị phá vỡ. Trong Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ ngày 20/8/2010, cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn trở lên, tính tới 30/8/2009. Nhưng chỉ có 17 dự án trong Quy hoạch Chính phủ phê duyệt 9/2007, 16 dự án có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương, còn lại 32 dự án chưa được Chính phủ chấp thuận đầu tư hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương.

Sự phát triển không theo Quy hoạch ngành thép đã tạo phản ứng dây chuyền, phá vỡ cân đối quy hoạch các ngành khác, điện là một ví dụ. Thiếu điện nghiêm trọng, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công Thương yêu cầu ngành thép phải tự bảo đảm cung cấp điện cho những dự án nằm ngoài quy hoạch. “Đây là ý kiến hợp lý, góp phần chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư tùy tiện”, ông Phạm Chí Cường nói.

Gỡ rối?

Để giảm nhập siêu và tạo điều kiện công nghiệp thép trong nước phát triển, Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều biện pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm. Hiện, dự án sản xuất phôi thép tại Vũng Áng-Hà Tĩnh có công suất khoảng hơn 1 triệu tấn/năm, dự án sản xuất phôi thép tại Lào Cai có công suất khoảng 500.000 tấn/năm và mở rộng dự án phôi thép ở Thái Nguyên (công suất từ 500.000 tấn lên 1 triệu tấn/năm) đang được đẩy nhanh tiến độ, hi vọng giảm gánh nặng nguyên liệu cho ngành thép. Đảm bảo quy hoạch thép đi đúng hướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chỉ các dự án nằm trong Quy hoạch ngành thép mới được phép triển khai. Trọng tâm đầu tư thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm.

Tuy nhiên, những điều kiện đó là cần song chưa đủ. Chủ tịch Hiệp hội Thép VN đề xuất, cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất, cung ứng đủ như thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn...; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông...; dùng nhiều loại ngoại tệ thay thế đồng USD trong thanh toán nhập khẩu nguyên liệu. Ông Phạm Chí Cường cũng đề xuất phát triển đội tàu biển của VN để chủ động xuất khẩu giá CIF (giá của bên bán bao gồm giá thành phẩm, cước phí vận chuyển, bảo hiểm) và nhập khẩu giá FOB (giá giao hàng tại cửa khẩu, bao gồm phí vận tải, bốc xếp và các loại thuế)…

Với những giải pháp này, ông Cường hy vọng có thể làm thay đổi cán cân giữa xuất và nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu ngành thép. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khách quan, với nội tại ngành thép hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị cũ và lạc hậu, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, việc giải bài toán nhập siêu cho ngành thép sẽ là không tưởng nếu không gắn chặt các giải pháp tổng thể giảm nhập siêu của quốc gia.

Nguồn: Công Thương

ĐỌC THÊM