Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bài 1: Thêm một "người khổng lồ FDI" lỗ nghìn tỷ

Quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội (inox) nhập khẩu của Bộ Công thương được dõi theo từng bước không chỉ bởi tính mới mẻ của nó, mà còn bởi “đại gia” đứng đơn là Posco VST, ông lớn FDI đã liên tục báo lỗ trong nhiều năm qua.

Posco VST mặc dù đầu tư nhà máy rất hoành tráng nhưng liên tục báo lỗ
Posco VST mặc dù đầu tư nhà máy rất hoành tráng nhưng liên tục báo lỗ
 
4 năm, lỗ hơn nghìn tỷ

Hành trình đưa Posco VST vào VN bắt đầu từ cuối năm 2009, khi công ty này bỏ 50 triệu USD mua lại một nhà máy thép không gỉ ở Đồng Nai với công suất 30.000 tấn/năm, trước khi nâng lên 85.000 tấn/năm.

Cùng với đó, tháng 3/2012, Posco VST cũng vừa đưa vào hoạt động nhà máy thép không gỉ cán nguội mới, công suất 150.000 tấn/năm. Với nhà máy mới có tổng vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD này, tổng năng lực sản xuất của Posco VST tại VN hiện lên tới 235.000 tấn thép/năm.

Theo các số liệu được chính Posco VST đưa ra, ngay trong năm đầu đầu tư vào VN công ty này đã có doanh thu tới 200 triệu USD. Theo kế hoạch của công ty này, doanh thu năm 2014 của công ty sau khi nhà máy mới hoạt động hết công suất sẽ đạt gần 530 triệu USD, và đáp ứng được 70% nhu cầu thép không gỉ tại VN.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận của công ty này lại không được tích cực như sự tăng trưởng doanh thu và thị phần.

Theo số liệu đã được cơ quan thuế xác nhận, kể từ khi đầu tư vào VN năm 2009, Posco VST đã lỗ lũy kế lên tới 1.067 tỷ đồng. Đáng nói, con số lỗ năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 Posco VST lỗ gần 127 tỷ, năm 2010 đã tăng lên gần 139 tỷ, con số lỗ của năm 2011 là 202 tỷ và đến năm ngoái 2012 thì nhảy vọt lên gần 384 tỷ đồng.

Tỷ lệ nghịch với những con số lỗ “khủng” nêu trên, cọc thuế mà công ty của Hàn Quốc nộp cho Cục Thuế Đồng Nai nơi công ty đứng chân chỉ chưa đạt 50 tỷ đồng.

Sẽ không có gì để nói về khoản lỗ, lãi của Posco VST nếu công ty này không sản xuất thép cán nguội, loại sản phẩm phải sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng mà công ty này nhập từ Posco mẹ ở Hàn Quốc.

Dấu hiệu chuyển giá được đặt ra với Posco VST, khi được biết có những lúc công ty này nhập nguyên liệu thép không gỉ cán nóng từ công ty mẹ với giá gần bằng với giá thép không gỉ cán nguội thành phẩm.

Việc cơ cấu giá nguyên liệu chiếm tỷ trọng quá lớn trong giá thành phẩm, ngoài dấu hỏi về dấu hiệu chuyển giá, cũng phần nào cho thấy tỷ lệ giá trị thặng dư được tạo ra từ hoạt động sản xuất thép không gỉ cán nguội của Posco VST là không đáng kể. Theo các DN ngành thép, khâu này chỉ chiếm từ 10 - 15% giá trị sản phẩm.

Điều này thực sự đáng quan ngại trong hoàn cảnh hiện tại khi mà Việt Nam đang rất khó khăn để đối phó với hiện tượng các ông lớn FDI liên tục báo lỗ trong khi vẫn mở rộng sản xuất. Vụ việc gây chấn động dư luận trong những ngày vừa qua cũng là từ một nhà đầu tư Hàn Quốc – Keangnam Vina.

Chủ đầu tư tòa tháp Keangnam đã bị cơ quan điều tra xác định thực hiện chuyển giá với tổng giá trị chuyển giá lên tới 1.220 tỷ đồng thông qua việc nâng khống số tiền thanh toán cho nhà thầu EPC (Keangnam Enterprise) và ngân hàng Kookmin Bank - vốn là các đơn vị liên kết của doanh nghiệp này tại Hàn Quốc.

Băn khoăn từ tư cách khởi kiện

Theo kế hoạch ban đầu thì kết luận sơ bộ về vụ việc này đượcCục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) ban hành vào ngày 2/10. Tuy nhiên ngày ra phán quyết này đã được dời lại đến tháng 12/2013.

Chưa nói tới những bức xúc, lập luận được đưa ra để chứng minh sự bất hợp lý trong lá đơn khởi kiện của Posco VST và Inox Hòa Bình, điều mà hầu hết các DN băn khoăn chính nằm ở “điều kiện cần” của vụ kiện này: tư cách khởi kiện của nguyên đơn.

Thứ nhất, theo Hiệp Định Chống Bán Phá Giá (CBPG) của WTO mà VN là thành viên và các quy định của VN về CBPG, việc điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ được khởi xướng khi có yêu cầu bằng văn bản nộp bởi tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, Pháp lệnh CBPG của VN (Pháp lệnh 20) quy định ngành sản xuất trong nước "sẽ được hiểu là toàn bộ các nhà sản xuất trong nước hoặc một nhóm các nhà sản xuất mà sản lượng của họ gộp lại chiếm một tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng nội địa, trừ trường hợp các nhà sản xuất đó có quan hệ liên quan với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu, hoặc khi chính họ là những nhà nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá...".

Qua đó, có thể thấy Posco VST cũng như Inox Hòa Bình chưa đáp ứng được tiêu chí “ngành sản xuất trong nước”, bởi ngoài việc Posco VST và các công ty liên quan của công ty này đã nhập khẩu sản phẩm tương tự từ trước và trong giai đoạn điều tra, dữ liệu mà các đơn vị có lợi ích liên quan trong vụ kiện này thu thập được cho thấy Posco VST và công ty liên quan là Posco VHPC vẫn tiếp tục nhập khẩu thép không rỉ cán nguội từ các công ty liên quan ở nước ngoài như Posco Asia, Tập đoàn quốc tế Deawoo - công ty con có 65% cổ phần của Posco và Posco - Thainox) trong thời gian từ tháng 1 - 8/2013. Số liệu nhập khẩu cho thấy, sản lượng nhập khẩu của Posco VST và Posco VHPC trong tháng 8/2013 lên tới 3.600 tấn, trong tổng số khoảng 6.400 tấn tổng sản lượng nhập khẩu cả nước.

Tương tự, inox Hòa Bình và công ty con là Công ty TM Huy Hoàng đã nhập khẩu mặt hàng thép không rỉ cán nguội từ các nước bị điều tra trong cùng giai đoạn nói trên.

Ngoài ra, quy trình sản xuất của các công ty sản xuất thép không rỉ cán nguội ở VN hiện đều không phải là quy trình khép kín, bởi nguyên liệu cho thép không rỉ cán nguội là thép không rỉ cán nóng hiện VN chưa sản xuất được.

Theo quy trình sản xuất khép kín thông thường của các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Outo Kumpu, Thyssen Krupp, Yusco hay Lisco thì nguyên liệu đầu vào là quặng và phế liệu, theo quy trình sản xuất từ quặng, phế liệu thành phôi, rồi sản xuất thép cán nóng, từ đó gia công thành thép cán nguội. Trong khi đó, Posco VST chỉ đơn giản là sản xuất thép cán nguội từ nguyên liệu cán nóng được nhập từ các công ty có liên quan là Posco Asia và Tập đoàn quốc tế Daewoo.

Ngoài việc chỉ làm tăng thêm 10% - 15% giá trị của sản phẩm cuối cùng, theo các DN, quy trình này sử dụng rất ít nhân công, trong khi lại tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn. Các yếu tố này khó phù hợp với mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam là nhằm giải quyết nhu cầu lao động và kêu gọi đầu tư và các dự án tiết kiệm năng lượng và an toàn cho môi trường.

Chính vì các vấn đề này, hơn 70 DN đã đề nghị Cục QLCT ra quyết định chấm dứt việc điều tra chống bán phá giá mà Posco VST và Inox Hòa Bình khởi xướng.

Đến nay, mọi diễn biến của cuộc điều tra vẫn đang ở phía trước, và những hệ lụy do vụ kiện này dẫn đến vẫn đang là giả định. Nhưng một thiệt hại rất rõ đã xảy ra, là kể từ khi vụ kiện này được thụ lý, nhiều DN sản xuất trong nước đã phải ngừng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ các bị đơn ở Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
 
Bởi theo quy định, nếu sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn này tăng đột biến thì các DN nhập khẩu có thể bị truy thu một khoản thuế rất lớn. “Vấn đề là không ai biết trước được mức độ như thế nào được coi là “đột biến” và mức có thể bị truy thu là bao nhiêu, nên chúng tôi đành tạm dừng việc nhập khẩu nguyên liệu”, ông Phạm Trung Anh - Chủ tịch HĐQT Cty CP Gia Anh cho biết.

Sở dĩ đây được coi là thiệt hại lớn, bởi ngoài việc năng lực sản xuất của Posco VST và Inox Hòa Bình chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm thép không gỉ cán nguội mà Posco VST bán cho các DN trong nước bị kêu ca nhiều về chất lượng. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong các bài tiếp theo.

Nguồn: Dân trí

 

ĐỌC THÊM